Trần Tuấn Hùng

Bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất?

Nội dung tư vấn: Công ty chúng tôi là Công ty TNHH Một Thành Viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Vừa qua, UBND thành phố phê duyệt phương án đền bù giải tỏa để thực hiện dự án. Công ty ứng vốn trước để thực hiện việc đền bù, giải tỏa và được khấu trừ theo quy định tối đa bằng tiền thuê đất. Trong phương án đã duyệt thì ngoài phần đất thu hồi có thêm tài sản trên đất (nhà) và cây lâu năm.
Sau khi đền bù về đất, tài sản trên đất thì phần tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu của ai? Chủ đầu tư, nhà nước hay người bị thu hồi có tài sản trên đất ? người bị thu hồi đất đã nhận tiền đền bù có quyền tháo dở (nhà) hay không? Nếu tài sản này của nhà nước hoặc chủ đầu tư thì phải làm thủ tục gì trước khi phá dỡ, giải phóng mặt bằng để thi công ?

Rất mong nhận được câu trả lời của quy Công ty.

Xin chân thành cám ơn.
 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, sau khi đền bù thì tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước, công ty bạn chỉ ứng vốn để thực hiện việc đền bù, giải tỏa và được khấu trừ theo quy định tối đa bằng tiền thuê đất. Bởi căn cứ Điều 68, Điều 69 Luật đất đai thì trách nhiệm thu hồi và bồi thường đất cho người sử dụng đất là thuộc cơ quan Nhà nước.

Thứ hai, người bị thu hồi đất đã nhận tiền đền bù không có quyền tháo dở nhà trên đất mà chỉ có quyền phối hợp tháo dỡ với cơ quan có thẩm quyền.

Thứ ba, thủ tục tháo dỡ, giải phóng mặt bằng để thi công sẽ do tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý đất đã thu hồi theo quy định tại Điều 68 Luật đất đai 2013

Trình tự, thủ tục thu hồi đất và tháo dỡ tài sản trên đất:

Bước 1: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.

 
Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
 
Bước 2: Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;
 
Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
 
Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.
 
+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật này.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia: P.T.Nguyệt - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo