Phạm Việt Hằng

Viết di chúc thừa kế tài sản cho người khác vợ và con có được hưởng?

Chào luật sư, cho tôi hỏi vấn đề để lại thừa kế cho người khác thì vợ các con có được hưởng hay không, cụ thể: Bố và mẹ tôi đã kết hôn, có 2 người con là tôi và anh trai tôi. Sau đó, do bất hòa trong cuộc sống, họ sống ly thân, tôi sống với mẹ còn anh trai tôi sống với bố.

 

 

Trước khi mất vì tai nạn, bố có để lại di chúc rằng để lại toàn bộ tài sản của ông cho bà V - cô ruột của ông. Tôi muốn hỏi rằng nếu tôi và mẹ khởi kiện ra toà thì tài sản của ông có được chia cho tôi, mẹ và anh trai không hay vẫn chia theo đúng di chúc? Mong sớm nhận được hồi âm. Xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau

 

Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:

 

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

 

Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người không được quyền hưởng di sản:

 

“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”

 

Như vậy, do bố mẹ bạn chưa ly hôn nên nếu mẹ không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản và không từ chối nhận di sản thì mẹ được nhận một phần di sản bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật.

 

Anh em bạn được nhận phần di sản bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật nếu hai bạn chưa đủ tuổi thành niên hoặc không có khả năng lao động và không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế nêu trên.

 

Trường hợp nếu di chúc của bố bạn không hợp pháp thì di sản cũng không được chia theo pháp luật và khi đó mẹ, anh bạn, bạn và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn (Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015) đều được chia di sản của bố.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc phân chia di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Thu Phương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo