Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về việc đòi nợ có bảo đảm

Thưa luật sự! Chuyện là thế này, gia đình em có cho người ta mượn tiền (100 triệu) và người ta cầm cố 1 sổ đỏ, nhưng đến thời hạn như đã hẹn người ta không trả tiền, sau nhiều lần đòi nợ bất thành thì gia đình em có gửi đơn kiện ra tòa án huyện, cũng sau nhiều lần đi hầu tòa thì gia đình em có nhận được quyết định của tòa án về việc phát mãi tài sản để bán thu hồi lại số tiền đã cho mượn.

 

Nhưng chuyện không đơn giản như vậy, người ta mượn tiền gia đình em năm 2015, nhưng lô đất đó đã được bán cho người khác năm 2014 với hình thức sang nhượng bằng tay và không có bất kỳ sự chứng thực nào từ cơ quan chức năng (nhưng bà con hàng xóm đều xác thực là người kia đã mua lô đất và ở đó chăn nuối trồng trọt 2 năm nay rồi), giờ thì lô đất đó đang vướng phải tranh chấp nên tòa án đã thu hồi quyết định phát mãi tài sản, vậy nên gia đình em không thể bán được, gia đình kia cũng đang làm đơn kiện vì chủ lô đất đã bán đất còn đi cầm cố tài sản với nội dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy luật sư tư vấn giúp em:1, Người đứng tên sổ đỏ đem đi cầm cố tài sản có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?2, Gia đình em giờ phải làm gì để tòa án ra quyết định phát mãi tài sản để gia đình em bán thu hồi vốn? muốn vậy gia đình em phải làm đơn gì? gửi cơ quan nào? 3, Người mua lô đất đó với hình thức sang tay so với gia đình em thì bên nào bất lợi hơn khi kiện ra tòa để giải quyết? Mong sớm nhận được phản hồi từ luật sư. Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” 

 

Người kia có mang sổ đỏ đi để vay tiền của bạn nhưng trên thực tế mảnh đất đã được chuyển nhượng cho người khác trước đó, hành vi này có thể coi là gian dối, nhưng chưa đủ để kết luận hành vi đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cần xác định xem mục đích vay tiền của người kia để làm gì, người kia có thực sự không muốn trả hay không. Nếu người đó vay nhưng không cố ý chiếm đoạt thì không được coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Thửa đất hiện tại đang có tranh chấp, do vậy phải hoãn cưỡng chế thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự sẽ hướng dẫn các bên có tranh chấp giải quyết tranh chấp tại tòa. Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chấp hành viên yêu cầu mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền thì tài sản vẫn được xử lý kê biên theo quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc đòi nợ có bảo đảm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Vũ Thị Yến – Công ty luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn