LS Xuân Thuận

Tư vấn về phân định quyền sử dụng đất

Cha tôi mất được hơn 1 năm, nhà tôi có 4 anh chị em và mẹ tôi. Tôi là con trai út. Hiện tại tôi, anh tôi, chị 2 tôi, mẹ tôi, đang sống chung, chưa có ai được nắm tài sản chung. Anh tôi nói của nó hết, nó có quyền và không coi mẹ tôi ra gì thật đáng trách. Như vậy nếu muốn chia tài sản (10 công đất ruộng + đất nhà vườn xung quanh 3 công) thì tôi được bao nhiêu?

 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cần tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Như bạn nói, đất này là tài sản chung, do đó, việc chia phần trên khối đất này sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có: (1) nguồn gốc đất; và (2) bố bạn có di chúc hay không.
 
Về nguồn gốc đất, bạn cần xem hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xem người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thời điểm cấp giấy để xác định người có quyền sử dụng đất. Theo như bạn nói đây là tài sản chung thì chúng tôi xác định đất này có thể là (1) đất là tài sản chung của hộ gia đình; (2) đất là tài sản chung của bố mẹ bạn; (3) đất là tài sản riêng của bố bạn hồi bố bạn còn sống nhưng chưa chia thừa kế. (Chi tiết hơn về cách xác định đất là tài sản chung, tài sản riêng hay đất thuộc hộ gia đình, bạn vui lòng tham khảo tại bài viết “Quyền định đoạt quyền sử dụng đất” đã đăng trên trang web Luật Minh Gia).
 
Về cách chia đối với phần đất thuộc di sản của bố bạn, nếu bố bạn có di chúc và di chúc hợp pháp thì phần di sản này được chia theo di chúc. Nếu bố bạn không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì phần đất này được chia đều cho tất cả người thừa kế theo pháp luật của bố bạn, những người này theo Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 bao gồm: cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi của bố bạn, mẹ bạn (nếu mẹ bạn là vợ hợp pháp có đăng ký kết hôn với bố bạn) và tất cả con đẻ, con nuôi của bố bạn. (Về xác định di chúc hợp pháp, bạn vui lòng tham khảo bài viết "Điều kiện để di chúc có hiệu lực pháp luật" đã đăng trên trang web Luật Minh Gia).
 
Như vậy, anh bạn có thể có toàn quyền sở hữu đối với mảnh đất này trong trường hợp đất này là tài sản riêng của bố bạn và bố bạn đã để lại di chúc toàn bộ phần đất này cho anh bạn. Đối với các trường hợp còn lại việc phân chia đất cho bạn sẽ tùy trường hợp như sau:
 
1. Đất là sở hữu riêng của bố bạn nhưng chưa chia thừa kế
 
Nếu đất được xác định là sở hữu riêng của bố bạn, toàn bộ phần đất này sẽ được chia thừa kế. Nếu bố bạn có di chúc, phần đất mà bạn được hưởng sẽ tùy thuộc vào nội dung di chúc (trong trường hợp di chúc hợp pháp). Nếu bố bạn không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, phần đất này được chia theo pháp luật cho những người thừa kế của bố bạn như trên.
 
2. Đất là sở hữu của hộ gia đình
 
Đối với đất của hộ gia đình, quyền sử dụng đất là của chung tất cả thành viên trong hộ gia đình thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tất cả thành viên có quyền ngang nhau đối với đất này. Theo đó, bạn sẽ được hưởng ít nhất một phần tương ứng với số thành viên trong hộ gia đình.
 
Đồng thời, về phần di sản của bố bạn, nếu bố bạn có di chúc hợp pháp thì bạn được hưởng thêm một phần theo di chúc, nếu không có di chúc hợp pháp và di sản thừa kế của bố bạn được chia theo pháp luật thì bạn sẽ được thừa kế một phần đất trong phần sở hữu của bố bạn trong khối tài sản chung (ngoài phần tài sản bạn sở hữu do sở hữu chung hộ gia đình ở trên). 
 
3. Đất là sở hữu chung của bố mẹ bạn
 
Nếu đất là sở hữu chung của bố mẹ bạn, thông thường mỗi người sẽ có quyền sử dụng đối với một nửa mảnh đất. Như vậy phần đất của mẹ bạn do mẹ vẫn còn sống nên vẫn thuộc sở hữu của mẹ bạn. Một nửa mảnh đất còn lại được tính là di sản của bố bạn và phần đất mà bạn được chia thừa kế sẽ theo pháp luật hoặc theo di chúc như trên.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về phân định quyền sử dụng đất . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Cv Nguyễn Thúy Hạnh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo