LS Nguyễn Thùy Dương

Thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự 2005

Quyền đòi phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, con riêng có được quyền thừa kế không?
Bố tôi có mảnh đất dưới quê, ông bán đi và 2003 đăng ký kết hôn với bà hai. Năm 2004 lấy tiền bán nhà mua mảnh đất, mang tên bố tôi. Năm 2015 bố tôi chết và không kịp viết di chúc, ngay sau khi bố tôi chết mẹ kế đã sang tên sổ đỏ, mà không hề chia cho chúng tôi là các con đẻ của bố tôi.Vậy tôi xin được tư vấn về phân chia tài sản. Chúng tôi có quyền đòi phần tài sản đó và nếu chia thì con riêng của mẹ kế có chia không?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014:

Điều 33: Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Nên mảnh đất trên là tải sản chung của bố bạn và mẹ kế trong thời kì hôn nhân, do đó di sản thừa kế mà bố bạn để lại bằng 1/2 mảnh đất đó.

Trường hợp này, mẹ kế của bạn không có quyền sang tên sổ đỏ đối với cả mảnh đất đó.

Theo quy định tại Điều 675 Bộ Luật Dân Sự 2005:

Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc

Bố bạn chết mà không để lại di chúc, nên di sản thừa kế mà bố bạn để lại được chia thừa kế theo pháp luật.

Theo quy định tại Điều 676 BLDS 2005:

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Bạn và các con đẻ khác của bố bạn được hưởng thừa kế di sản, do đó có quyền đòi chia di sản thừa kế.

Điều 679. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này.

Con riêng của mẹ kế sẽ không được thừa kế di sản của bố bạn để lại, trừ trường hợp chứng minh được có mối quan hệ chăm nom, nuôi dưỡng bố bạn như cha con.

Di sản thừa kế sẽ được chia đều cho mẹ kế, các con đẻ, con nuôi ( nếu có) của bố bạn và con riêng của mẹ kế ( nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 679).

Bạn có thể gửi đơn khởi kiện tranh chấp về thừa kế tài sản và các chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi cư trú của mẹ kế. Đơn khởi kiện có thể nộp trực tiếp tại Tòa hoặc gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự 2005. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

!
CV Ngô Thị Bắc - Công ty Luật Minh Gia
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo