Luật sư Phùng Gái

Thừa kế theo di chúc trong trường hợp xảy ra tranh chấp về phần di sản thừa kế?

Câu hỏi tư vấn: Ông trẻ em mất năm 2007 và có để lại di chúc cho bố em( di chúc được bên tư pháp ở phường em làm chứng ) nhưng trong thời gian gần đây vợ và con của ông em có tranh chấp mảnh đất mà bố em được thừa kế

 

Nhưng mà vợ và con của ông em đã dọn ra ngoài ở riêng cách đây 50 năm, ( vì 50 năm trước ông em mắc bênh lên phải bỏ một chân) từ đó gia đình em có chăm no cơm nước cho ông em đến năm 2007 ( di chúc được lâp năm 1994) luật sư cho em hỏi gia đinh em có được quyền thừa hưởng mảnh đất ông em để lai theo di chúc không.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Vì ông trẻ viết di chúc năm 1994 nên để xác định tính hợp pháp thì cần xem xét điều kiện để di chúc hợp pháp theo Điều 12 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định về di chúc hợp pháp:

 

“1- Di chúc hợp pháp là di chúc do người từ đủ mười tám tuổi trở lên tự nguyện lập trong khi minh mẵn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.

Di chúc cũng được coi là hợp pháp nếu do người từ đủ mười sáu tuổi trở lên nhưng chưa đủ mười tám tuổi tự nguyện lập trong khi minh mẵn, được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.

2- Di chúc do công dân Việt Nam lập ở nước ngoài theo pháp luật của nước ngoài, nếu có nội dung không trái với pháp luật của Việt Nam, cũng được coi là di chúc hợp pháp.”

 

Vì vậy, khi ông bạn để lại di chúc cho bố bạn hưởng thừa kế mảnh đất (đã có bên tư pháp của Phường làm chứng và nếu không có căn cứ cho rằng bản di chúc vô hiệu thì di sản của ông được chia theo di chúc. Tuy nhiên, theo Điều 669 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trường hợp những người hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc :

 

“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”

 

Như vậy, ngay cả khi trong di chúc không ghi phần di sản họ được hưởng nhưng theo quy định pháp luật thì các con và vợ của ông bạn vẫn sẽ hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật .Nhưng do họ đã dọn ra ở riêng cách đây 50 năm và cũng không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc đối với ông bạn khi ông bạn mắc bệnh và phải cắt bỏ một chân. Vì vậy mà khi họ yêu cầu được chia di sản bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc không cho hưởng di sản thừa kế vì đã vi phạm quy định tại Điểm b, khoản 1 Điều 643 Bộ luật dân sự 2005:

 

“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm

nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

…”

 

Đồng thời, đối với việc phân chia di sản theo di chúc thì sẽ theo ý chí của người để lại di chúc.Trong trường hợp này di sản là mảnh đất được ông bạn trao thừa kế cho bố bạn thì đương nhiên bố bạn hoàn toàn có quyền thừa kế đối với mảnh đất đó.

 

Nếu di chúc không hợp pháp thì di sản chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông theo quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2015:

 

“1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Nếu những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thuộc trường hợp không được hưởng di sản thừa kế thì di sản được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai. Nếu không có những người thuộc hàng thừa kế thứ 2 và thứ 3 thì di sản thuộc về nhà nước.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thừa kế theo di chúc trong trường hợp xảy ra tranh chấp về phần di sản thừa kế?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV P.Gái – Luật Minh Gia

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo