Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Luật sư tư vấn tranh chấp về quyền trổ cửa ra vào, cửa sổ

Kính gửi luật sư, tôi muốn hỏi về tranh chấp trổ cửa như sau: Tôi là chủ nhà 90/B hiện nhà chúng tôi đang bị nhà 90/A thưa kiện về vấn đề tấm đan ở cửa sổ 3. Hiện trạng hiện tại cửa sổ 3 có 1 tấm đan che mưa nắng, do đã cũ và bị nứt nhà tôi có xây lại tấm đan mới thì bị thưa kiện do tấm đan quá gần cửa ra vô và làm nước mưa chảy vào nhà 90/A

Dù tấm đan đã có từ lúc tôi mua vào năm 2008 (sổ hồng cũng thể hiện là có 1 cửa sổ hiện hữu) và nhà 90/A thì lại nói là không hề có, tấm đan do nhà tôi mới xây thêm (do tôi mới thay tấm đan cũ nên nhìn như mới)

Ở cửa sổ số 1 có nhìn ra khoảng sân trước là sân chung và cũng đã có từ lúc tôi mua(sổ hồng không thể hiện cửa sổ số 1), hiện nhà 90/42A kiện do nhìn thẳng vô cửa ra vào của nhà 90/ và nhìn xéo qua 90/A . Nhưng theo tôi biết là khoảng cách giửa cửa sổ nhà tôi (90/B) và cửa ra vào của nhà đối diện phải dưới 2m thì mới không được mở. Và khoảng cách sân chung là 3m nên tôi có thể giữ cửa sổ 1 lại được không ?

Ở cửa sổ 2 thì sổ hồng lại thể hiện là cửa ra vào, lúc trước do không muốn phiền phức với nhà 90/A nên đã cải tạo thành cửa sổ nhỏ để lấy ánh sáng.

Xin hỏi luật sư tôi có thể mở cửa ra vào lại như cũ không ??

-----------------------------------

Xin chân thành cảm ơn luật sư đã đọc bức thư này, tôi thật sự rất bức xúc nhà số 90/A , bên đó đã kiện nhà tôi lần này là lần thứ 5 với những chuyện cỏn con dù nhà tôi chỉ mới chuyển về đây vài năm và chưa hề thay đổi kết cấu. Tôi nghe nói do chủ trước không đồng ý bán nhà cho họ nên họ kiếm chuyện cho gia đình tôi dọn đi và bán lại.

Trong lúc nhà tôi thay lại tấm đan, nhà 90/A chỉ làm 1 việc là gọi điện cán bộ phường 3,4 người xuống sau 5-10 phút gọi là bắt quả tang tại chỗ bắt ngưng làm và ngày hôm sau mời 2 bên lên làm việc ngay lập tức. Tôi có thể khởi kiện về vấn đề này không ? 1 lần nữa xin chân thành cảm ơn luật sư, mong sự phản hồi sớm nhất của luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 178 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề như sau:

“1. Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Mặt dưới mái che trên cửa ra vào, mặt dưới mái che cửa sổ quay ra đường đi chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên.”

Khoản 8 Điều 12 Luật Xây dựng 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng cũng cấm: “Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình.”

Theo Điểm 1, Khoản 7.12.2, Điều 7 quy chuẩn xây dựng Việt Nam, phần quy định về kiến trúc đô thị (ban hành kèm theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, quy định về quan hệ với các công trình bên cạnh thì: “Từ tầng hai trở lên, trên các bức tường cách ranh giới đất với công trình bên cạnh không được mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi (chỉ được mở các cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi trên các bức tường cách ranh giới đất với nhà bên cạnh ít nhất 2 m. Khi mở cửa cần có biện pháp tránh tia nhìn trực tiếp vào nội thất nhà bên cạnh”.

Như vậy, ở cửa sổ số 1 có tầm nhìn thẳng vào cửa ra vào của nhà hàng xóm gây bất tiện cho sinh hoạt gia đình của nhà hàng xóm nên họ có quyền không đồng ý cho mở cửa số 1

-  Về cửa số 3, theo thông tin bạn cung cấp thì tấm đan quá gần cửa ra vào và làm nước mưa chảy vào nhà hàng xóm.

Theo quy định tại Điều 250 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.”

Dựa vào những quy định trên bạn có thể biết được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc trổ cửa.

- Về thắc mắc khiếu nại không được giải quyết:

Theo quy định tại Điều 27 và 36 Luật khiếu nại thì thời gian thụ lý đơn là 10 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân mình và đủ điều để thụ lý.

Thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 28 và Điều 37 Luật khiếu nại 2011:

Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày (lần đầu), 45 ngày (lần hai), kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày (lần đầu), 60 ngày (lần hai); Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày (lần đầu), 60 ngày (lần hai) kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày (lần đầu), 70 ngày (lần hai), kể từ ngày thụ lý để giải quyết (Điều 28 và 37 Luật Khiếu nại).

Quá thời hạn trên mà cơ quan có thẩm quyền không giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần 2 đến thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của luật tố tụng hành chính (khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại).

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Luật sư tư vấn tranh chấp về quyền trổ cửa ra vào, cửa sổ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo