Luật sư Đào Quang Vinh

Không sống chung thì có được quyền thừa kế không?

Câu hỏi: Kính thưa quý luật sư ! Tôi tên N M H, sự việc tranh chấp quyền sử dụng đất thừa kế hiện đang xảy ra trong gia đình tôi. Và gia đình tôi thật sự rất bối rối, không biết phải giải quyết như thế nào, rất mong được sự tư vấn của luật sư. Sự việc như sau:

 

Ông nội tôi có 4 đứa con, 3 trai, 1 gái, cha tôi là con út. Ông nội tôi có một căn nhà tại mặt tiền quốc lộ do ông nội tôi đứng tên. Vì 2 con trai lớn ( bác tôi ) đều đã có gia đình riêng, có nhà cửa, đất đai riêng và định cư tại nơi khác, nhưng vẫn cùng một huyện. Tuổi 60, nên ông bà nội tôi cũng lo lắng về sức khỏe, nên đã bảo cha tôi về ở cùng để tiện chăm sóc cho ông bà nội. Trước khi chuyển về ở chung với ông bà nội, thì cha mẹ tôi đã từng mua một nền nhà và tính cất nhà lên để ở. Bà tôi biết chuyện, đã mắng cha tôi một trận, và bảo cha tôi về ở với ông bà. Ông tôi cũng đã nói con út thì về ở với cha mẹ, nhà cha mẹ cũng là nhà con út thôi, nên khỏi phải xây nhà khác nữa. Nên cha tôi đã bán luôn nền nhà đã mua để cha mẹ yên tâm và dọn về sống với ông bà. Và đương nhiên 2 bác tôi cũng đồng ý, vì họ cũng không thể nào về sống chung đc với ông bà.

Gia đình tôi gồm cha, mẹ, và anh em tôi đã sống cùng với ông nội tôi từ lúc tôi còn rất nhỏ, chỉ khoảng 2 tuổi, cụ thể là từ năm 1993. Hàng xóm ai nấy đều biết, từ lúc chuyển về sống với ông bà nội, cha mẹ tôi luôn quan tâm, chăm sóc cho ông bà nội rất ân cần, chu đáo. Đến năm 1995 thì bà tôi mất, chỉ còn lại ông nội. Sau khi bà mất, gia đình tôi càng quan tâm đến ông nhiều hơn, vì tuổi già sức yếu, lại còn cô đơn. Càng về sau, cha mẹ tôi, và cả bộn phận làm cháu chúng tôi luôn hiếu thảo với ông, luôn chăm sóc kĩ càng ông đến từng bữa sáng, rót trà, đấm lưng, quạt cho ông ngủ. Trong suốt thời gian này, bác trai cả của tôi hiếm khi đến thăm ông, thậm chí tết cũng chỉ đến nửa buổi, có năm đến, năm không.

Đến tuổi 75 thì sức khỏe ông không còn được như trước nữa, ông bắt đầu yếu đi. Và bổn phận chúng tôi là càng phải quan tâm đến ông nhiều hơn. Đến khi ông bắt đầu ngả bệnh thì gia đình tôi người nào, người nấy thay nhau chăm sóc. Cha tôi phải nghỉ đi làm ( rẫy ), phận làm cháu chúng tôi cũng phải thay phiên đi thăm. Dìu ông đi đại tiểu tiện, đút cháo cho ông ăn, đấm bóp cho ông, cha tôi phải thức đêm canh chừng mỗi khi xuống thành phố khám bệnh. Chúng tôi không kể công gì, nhưng già đình bác trai cả ngay cả thăm nuôi cũng chưa hề có đến 1 ngày. Chỉ tới hỏi thăm vài câu thì lại đi mất.

Và sau này ông nội cũng không ngờ ông mất sớm như vậy. Trước khi ông mất, cha tôi đã có hỏi ông là liệu sau này cha có chuyện gì, liệu anh cả có đến giành chỗ ở với con không ? Ông tôi bảo không có chuyện đó đâu ! Sau này ông nội tôi cũng đã có ý định sang nhượng quyền sử dụng đất nền nhà cho cha tôi. Nhưng chưa được tiến hành, thì ông đã mất nhưng không để lại di chúc gì.

Ông tôi mất ( năm 2015 ), chưa đầy 3 tháng, thì bác trai cả tôi đòi bán nhà, vì là di sản của ông nội nên làm con đều có quyền hưởng, chứ cha tôi không có quyền hưởng 1 mình. Trong khi đó, cha tôi chưa hề có ý định bán, vì đây là nhà tổ hương hỏa, và nếu bán gia đình tôi cũng không có nơi để ở. Nhưng bác trai tôi vẫn luôn một mực hù họa cha tôi, bắt cha tôi phải bán.

Như vậy có vô lý không quý luật sư ? Mặc dù chưa kịp sang tên sở hữu, nhưng chúng tôi đã chăm sóc ông nội suốt bao nhiêu năm trời, khi ông đổ bệnh cũng chả thấy bác trai cả tới hỏi thăm. Vậy mà đến khi ông mất, thì lại tới đòi nhà.

Mong quý luật sư có thể cho chúng tôi quy định pháp luật về trường hợp này ! Xin cám ơn !

 

=> Luật sư tư vấn pháp luật về thừa kế, gọi: 1900.6169

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Gia chúng tôi. Với câu hỏi của anh, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:

 

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

 

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.”

 

Bên cạnh đó tại Giải đáp 01/GĐ-TANDTC năm 2018 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có quy định các trường hợp mở thừa kế trước ngày 1/7/1997 thì thời hiệu thừa kế được tính từ ngày 10/9/1990.

 

Do đó, với trường hợp của gia đình bạn thời hiệu thừa kế đối với di sản thừa kế của ông bà vẫn còn.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, ông bà bạn mất không để lại di chúc nên ngôi nhà thuộc sở hữu của ông bà bạnsẽ là di sản thừa kế và được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

 

Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

 

Như vậy, di sản của ông bà bạn sẽ được phân chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Bốn người con của ông nội anh có quyền thừa kế như nhau đối với ngôi nhà đó, mặc dù những người con khác không sống trong ngôi nhà đó cũng như không chăm sóc ông nội anh. Vì thế nếu cha anh không đồng ý bán thì bác trai anh cũng không thể bán được căn nhà. Nếu bác trai anh vẫn nhất định đòi bán nhà thì chỉ có thể bán được phần diện tích tương ứng với phần thừa kế của bác anh hoặc bán toàn bộ nhưng số tiền bán căn nhà đó phải chia cho cả 4 người con và phải trả cho cha anh khoản tiền tu sửa, mua sắm đồ đạc trong căn nhà (nếu có).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Không sống chung thì có được quyền thừa kế không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Liên Hoa - Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo