Luật sư Phùng Gái

Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và giải quyết việc phân chia di sản thừa kế?

Câu hỏi tư vấn: Tôi hiện tại là một công dân Hoa Kỳ, rời VN bằng đi vượt biên từ đầu năm 1987. Mẹ tôi qua đời trước ba tôi rất lâu khi tôi qua Mỹ được vài năm thì ba tôi mất. Ba tôi ở chung với vợ chồng người chị lớn của tôi, căn nhà này được cất trên miếng đất rất rộng do 2 vợ chồng người chị bỏ tiền riêng xây cất, nhưng căn nhà này do ba tôi đứng tên vì khi mua miếng đất này là tiền các anh chị khác ở nước ngoài gửi về.

 

 Khi Ông mất, người chị lớn hợp thức hóa cho chị đứng tên. Mới đây, mấy anh chị khác từ nước ngoài về bắt chị lớn phải bán toàn bộ căn nhà và chia đều cho các anh chị em. Nhà tôi có tất cả 10 người, nhưng người em út đã chết trước ba tôi, cho nên chỉ còn lại 9 người. Người em út chết đi để lại 1 đứa con 1 - 2 tuổi, và người chị thứ 4 nhận đứa con người em út làm con nuôi và đem về Úc. Người chị lớn vì bị áp lực của những đứa em bắt bán toàn bộ căn nhà, theo điều đình thì người chị lớn lấy 1/3 số tiền bán nhà, 2/3 còn lại thì chia đều cho các anh chị em khác. Anh chị em còn lại chỉ còn lại 8 người thôi.

 

Tuy nhiên người chị thứ 4 nói là phải chia luôn cho con của người em út (mà đã qua đời). Tôi thấy điều này không hợp lý, vì trên mặt pháp lý, đứa con của người em út hiện là con của người chị thứ 4 chứ không phải là con của người em út đã chết. Người chị thứ 4 cũng đã đổi tên họ của đứa con này theo họ của anh chị em chúng tôi từ khi nó còn 1-2 tuổi, bây giờ đã trên 24 năm rồi. Gần đây đã có người muốn mua nhà và đã đặt tiền cọc cho em trai tôi ở VN giữ. Đứa em trai tôi cho biết tôi không có trong danh sách chia tiền bán nhà, vì tôi không có tên trong hộ khẩu từ hồi lúc tôi vượt biên. Tôi là người con thứ 8, có giấy tờ khai sinh rõ ràng. Gần đây đưa em trai tôi có nhắn lại người chị lớn kêu tôi nên làm giấy "khước từ nhận di sản".

 

Như vậy tóm lại, căn nhà do ba tôi để lại sẽ bán và chia cho tất cả mọi người trong đó có con nuôi của chị thứ 4, nhưng lại không có tôi trong đó.Tôi muốn nhờ luật sư làm đơn kiện "ngăn hoặc không cho mọi thủ tục bán nhà của em tôi ở VN". Căn nhà này ngày xưa khi ba tôi mua, tôi là người đầu tiên đặt chân đến ở và dọn dẹp một thời gian, rồi sau đó các chị em tôi mới đến ở sau, đó là lúc tôi đi vượt biên. Bây giờ căn nhà này bán đi, lại không có phần tôi trong đó! Luật sư làm ơn cho tôi biết thủ tục cần thiết.Cám ơn luật sư nhiều

 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cụ thể:

 

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

 

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

 

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

 

b) Đất không có tranh chấp;

 

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

 

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

 

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn thì do đang còn tranh chấp liên quan thừa kế tài sản (quyền sử dụng hiện nay chị bạn đang đứng tên) thì bạn có thể làm đơn kiến nghị gửi Phòng đăng ký đất đai của huyện để yêu cầu dừng giải quyết mọi giao dịch liên quan tới quyền sử dụng đất này. Sau khi làm đơn thì các thành viên trong gia đình sẽ tập chung giải quyết vấn đề về chia thừa kế theo pháp luật dân sự về thừa kế.

 

- Thứ hai, thừa kế theo pháp luật.

 

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về thừa kế theo pháp luật. Cụ thể:

 

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Điều 677. Thừa kế thế vị

 

Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên thì do bố mất không có di chúc nên toàn bộ di sản sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế (10 anh, chị em gia đình bạn - tức bạn cũng có quyền hưởng). Trong đó, em út trong gia đình đã mất trước nên phần di sản mà người em này được hưởng sẽ được để lại cho con (2 tuổi) là người thừa kế thế vị thay phần của bố/mẹ (việc sau đó người chị thứ 4 nhận nuôi con nuôi nếu chưa hoàn tất thủ tục nhận nuôi con nuôi đúng quy định pháp luật thì phần di sản này người con đó vẫn được hưởng). Theo đó, việc các thành viên còn lại không cho hưởng vì lý do thời điểm trước khi bố mất thì bạn đã vượt biên trái phép, không có tên trong sổ hộ khẩu là không đúng quy định pháp luật - vì đây là phần di sản thừa kế (không liên quan tới việc có tên trên sổ hộ khẩu hay không). Tuy nhiên, sẽ phải xét tới thời hiệu khởi kiện.

 

- Thứ ba, liên quan tới thời hiệu khởi kiện về thừa kế

 

Điều 645. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

 

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP:

 

2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

 

a. Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

 

a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

 

a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

 

a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

 

Theo đó, tính từ thời điểm bố, mẹ mất đến hiện nay đã hơn mười năm - tức hết thời hiệu khởi kiện rồi các đồng thừa kế mới yêu cầu chia thì sẽ không được thụ lý giải quyết. Nên ai là người đang quản lý sử dụng thì tiếp tục được sử dụng nhưng không có quyền định đoạt - tức việc chị bạn tự ý định đoạt sang tên quyền sử dụng đất là trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu các đồng thừa kế thỏa thuận với nhau xác nhận di sản này là di sản thừa kế chưa chia thì sẽ áp dụng theo Nghị quyết số 02/2004 /NQ-HĐTP để giải quyết nên sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện. 

 

Như vậy, để giải quyết trong trường hợp này thì bạn có thể thỏa thuận lại với anh, chị, em khác trong gia đình. Nếu hòa giải mà các đồng thừa kế vẫn không đồng ý chia môt phần thừa kế cho bạn (các đồng thừa kế đã có thỏa thuận với nhau xác định di sản thừa kế này là di sản thừa kế chưa chia) thì để giải quyết bạn có thể khởi kiện ra Tòa để hủy quyết định cấp giấy chứng nhận và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và giải quyết việc phân chia di sản thừa kế?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo