Hoàng Tuấn Anh

Hỏi về nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên bảo lãnh

Chào luật sư Minh Gia , em muốn hỏi là em có đứng ra viết giấy bảo lãnh cho 1 người tên C vay số tiền là 25triệu đồng nhưng giờ người tên C đã bỏ trốn và mất liên lạc , liên hệ gia đình bố mẹ người đấy thì họ cũng không chịu giải quyết.

 Bây giờ em có thể về địa phương nơi C ở để kiện về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bắt bố mẹ C phải giải quyết được không ? C sinh năm 1995 và em có giấy do chính tay C viết vay nợ và cả giấy tờ C để lại vay.
 
 Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Tại Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bảo lãnh như sau:

 

“Điều 335. Bảo lãnh

 

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

 

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”.

 

Theo thông tin bạn đưa ra chúng tôi hiểu rằng bạn là người bảo lãnh để C vay nợ 25 triệu đồng của người khác. Theo đó nếu đến hết thời hạn trả nợ mà người vay nợ là C không trả nợ được thì người bảo lãnh phải trả nợ cho bên kia tùy theo thỏa thuận của các bên. Như vậy bạn đã đứng ra bảo lãnh thì sau khi bạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho C thì hoàn toàn có quyền yêu cầu C thực hiện nghĩa vụ trả nợ với mình nếu 2 bên có thỏa thuận trước về nghĩa vụ trả nợ của C theo quy định của pháp luật như sau:

 

“Điều 340. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh

 

Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”.

 

Theo đó, quan hệ về bảo lãnh được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật dân sự. Vấn đề kiện C về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải xét căn cứ tại Bộ luật hình sự 2015. Như vậy nếu bạn muốn đòi lại tiền do đã thực hiện việc trả nợ cho C theo hợp đồng bảo lãnh thì có thể kiện đòi lại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Bạn có thể kiện C về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu có đủ các căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự, cơ quan điều tra sẽ xem xét các hành vi và dấu hiệu phạm tội để kết luận có khởi tố C về hành vi này hay không.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.


Trân Trọng!
CV Hứa Phương- Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo