Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Bảo lãnh theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015

Pháp luật Dân sự hiện hành quy định về biện pháp bảo lãnh như thế nào? Quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên trong giao dịch này ra sao? Bạn có thể tham khảo bài viết sau đây của Công ty Luật Minh Gia để hiểu rõ thêm về biện pháp này:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được pháp luật dân sự ghi nhận nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong giao dịch dân sự. Khi áp dụng biện pháp bảo lãnh, các bên trong giao dịch cần có những hiểu biết nhất định về biện pháp bảo đảm nói chung và biện pháp bảo lãnh nói riêng trước khi ký các giao dịch, thỏa thuận. Điều này vừa đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên, vừa đảm bảo giảm thiểu được các tranh chấp phát sinh không đáng có.

Vì vậy, nếu bạn đang có thắc mắc liên quan đến biện pháp bảo lãnh, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của Công ty Luật Minh Gia. Trong quá trình tìm hiểu, nếu còn vấn đề chưa rõ, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

2. Biện pháp bảo lãnh

Bảo lãnh được quy định cụ thể tại Bộ  luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015, nội dung chi tiết như sau:

Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Phạm vi bảo lãnh

1. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

2. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

4. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

Thù lao

Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thoả thuận.

Nhiều người cùng bảo lãnh

Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

2. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.

3. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh

Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

1. Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

3. Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Chấm dứt bảo lãnh

Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt;

2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;

3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

4. Theo thỏa thuận của các bên.

-------------

Tham khảo tình huống luật sư tư vấn trực tuyến qua tổng đài: 1900.6169 về vấn đề pháp luật Dân sự như sau:

Câu hỏi - Trách nhiệm pháp lý khi gây tai nạn giao thông?

Tôi có 2 công nhân giao thông trên đường bằng xe máy buổi sáng để đi làm. Một chiếc xe tải chạy luôn qua lề trái sát lề cỏ đụng làm người nữ phía sau chết 2 ngày sau. Còn người chạy thì bị dập não, dập lá lách, dập gan, mù luôn 2 mắt. Đến nay điều trị 45 ngày nhưng tinh thần chưa tỉnh hẳn. Người nuôi bệnh cũng là công nhân của Công ty.     Vậy cho tôi hỏi việc đền bù của bên gây tai nạn cho 2 người bị hại sẽ giải quyết ra sao và mức độ đền bù như thế nào là hợp lý, pháp luật  sử lý người gây tai nạn ra sao?    Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự sau đây:

>> Bồi thường thiệt hại khi tai nạn giao thông gây chết người

>> Trách nhiệm hình sự khi gây tai nạn giao thông

Căn cứ vào mức độ lỗi của người gây tai nạn, người này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. 

Và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại, ngoài các chi phí bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, thì khoản bồi thường tổn thất về tinh thần là không quá 100 lần mức lương cơ sở được xác định theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015. 

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo