Trần Tuấn Hùng

Hỏi về di sản thừa kế

Nhà tôi có 09 anh em, 06 trai 03 gái. Đầu những năm 60 Bố mẹ và 04 người anh, chị của tôi từ dưới xuôi lên vùng kinh tế mới Lào Cai khai hoang mở đất. Ngoại trừ 04 người anh chị đầu của tôi còn lại chúng tôi đều sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà chính gỗ 03 gian và căn nhà ngang liền kế bên cất dựng từ cuối những năm 60 và khu khuôn viên ao vườn quanh nhà của bố mẹ tôi.

 

Trước đây khi bố mẹ tôi còn sống đã cho 03 người anh của 03 mảnh đất quanh đó để sinh sống sau khi lấy vợ, các chị em gái đều lấy chồng và cũng có cuộc sống riêng bên nhà chồng gần đây. Riêng anh cả do điều kiện công tác nên sinh sống ở tỉnh khác. Tới năm 1993 anh em chúng tôi ra ở riêng hết chỉ còn người anh thứ 08 sống cùng bố mẹ tôi tại khu nhà đó đến khi bố mẹ tôi mất (Mẹ tôi mất được hơn 10 năm, Bố tôi mất được hơn 03 năm và không để lại di chúc) và đến tận bây giờ. Vì gia gia đình chúng tôi rất đông con nhiều cháu nên sinh thời bố mẹ tôi đã có ý nguyện sau khi mất đi sẽ không ai sinh sống tại ngôi nhà gỗ 03 gian nữa mà để đó cùng sân vườn gắn liền làm nơi thờ tự tổ tiên ông bà và là nơi để xum họp con cháu mỗi khi có dịp lễ, tết, giỗ chạp, người anh thứ 8 của tôi sẽ ở riêng tại căn nhà ngang kế bên… Do chưa có điều kiện để xây cất nhà mới trên khuôn viên của căn nhà ngang bên cạnh nên người anh thứ 08 của tôi vẫn ở cả 02 căn nhà nêu trên và hàng năm con cháu chúng tôi vẫn về xum họp mỗi khi lễ tết, giỗ chạp tại đây. Từ khi xây cất đến nay đã trải qua 1,2 lần sửa chữa ngôi nhà, mặc dù nhiều anh chị đã ra ở riêng nhưng tất cả các người con chúng tôi đều chung tay góp của góp sức sửa chữa cho bố mẹ. Khi còn sống cũng như đau yếu tất cả các anh em chúng tôi đều phụng dưỡng bố mẹ không phân biệt con trai con gái thiệt hơn. Đến nay, khi Nhà nước chủ chương cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình (từ trước đến giờ chưa cấp quyền sử dụng đất cho tất cả các hộ dân cư ở nơi đây) thì người anh thứ 08 của tôi lại khẳng định giờ mảnh đất này (tất cả khu đất và 02 căn nhà bố mẹ tôi để lại) là đất của anh ấy và sổ đỏ sẽ mang tên hộ gia đình của anh. Theo chúng tôi hiểu đây là tài sản chung của các con sau khi bố mẹ mất đi, nên anh em chúng tôi nhất định không đồng ý và muốn giữ nguyên ý nguyện của bố mẹ tôi lúc còn sống đó là giữ lại căn nhà gỗ 03 gian cùng sân vườn gắn liền để làm nơi thờ tự và không gian sinh hoạt chung của tất cả các con cháu của 02 cụ. Mảnh đất có ngôi nhà ngang kế bên và khôn viên ao vườn còn lại sẽ để cho anh thứ 08 của tôi sinh sống và quản lý. Nhưng vợ chồng người anh thứ 08 của chúng tôi không đồng ý với lý do đã sống ở đây hơn 20 năm nay từ khi bố mẹ tôi còn sống, giờ bố mẹ mất đi thì đó sẽ là nhà của anh tôi. Anh em chúng tôi đã không thể tìm được tiếng nói chung với vợ chồng người anh thứ 08 sau một vài cuộc họp. Giờ tất cả anh em còn lại chúng tôi chỉ muốn ý nguyện của bố mẹ tôi được thực hiện. Xin hỏi Luật sư giờ anh em chúng tôi không thể thỏa thuận thì sẽ phải làm những thủ tục gì theo pháp luật để có thể thực hiện ý nguyện của bố mẹ chúng tôi về tài sản chung này. Xin nói thêm, đến thời điểm hiện tại thì thủ tục cấp sổ đỏ cho dân cư quan đây vẫn chưa hoàn thiện. Rất mong được sự giúp đỡ của Luật sư. Trâng trọng!

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn cho Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề này như sau:

 

Căn cứ tại Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

 

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

a) Không có di chúc;

 

b) Di chúc không hợp pháp;

 

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

 

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

 

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

 

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

 

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

 

Và tại Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật, Bộ Luật dân sự năm 2015

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Như vậy, phần di sản do bố mẹ bạn để lại sẽ thuộc quyền thừa kế theo pháp luật của tất cả 9 anh chị em của bạn và những người khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất (nếu có) vì bố mẹ bạn đã mất mà không để lại di chúc.

 

Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế như sau:


 “1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:


a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;


b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.


2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền "thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.


3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”

 

Vì bố bạn mới mất cách đây 3 năm nên thời hiệu khởi kiện về thừa kế vẫn còn và những người thừa kế còn lại có thể làm thủ tục yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế của bố mẹ bạn và có thể xác định phần di sản đó không phải là tài sản của riêng của người anh thứ 8 mà là tài sản chung của tất cả những người thừa kế. Trường hợp tất cả những người thừa kế còn lại thỏa thuận và đồng ý về việc dùng phần di sản đó để làm nơi thờ cúng và sinh hoạt chung của các con cháu thì có thể lập thành văn bản và thực hiện việc công chứng văn bản về sự thỏa thuận đó, nếu người anh thứ 8 của bạn không đồng ý thì những người thừa kế còn lại sẽ thanh toán cho người anh thứ 8 giá trị phần thừa kế và phần công sức, tiền bạc đã đóng góp để xây dựng, làm tăng giá trị của mảnh đất. Anh thứ 8 của bạn sẽ không thể thực hiện thủ tục để được cấp sổ đỏ nếu đây là tài sản đang tranh chấp và thời hạn khởi kiện về thừa kế vẫn còn hiệu lực nên phần di sản đó không thuộc quyền sở hữu của riêng anh bạn được.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo