Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thừa kế theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015

Thừa kế là quan hệ pháp luật cơ bản được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Đây là quan hệ pháp luật diễn ra thường xuyên trong đời sống xã hội, cũng chính vì vậy Bộ luật dân sự quy định khá đầy đủ và chi tiết vấn đề này. Luật Minh Gia cung cấp và phân tích quy định pháp luật về thừa kế như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật dân sự

Tìm hiểu về pháp luật thừa kế luôn là cần thiết với tất cả mọi người để có thể bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi có sự kiện thừa kế diễn ra. Hiện nay, chế định về thừa kế được Bộ luât Dân sự 2015 dành ra 1 chương để đưa ra các quy tắc, quy định làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên khi phát sinh thừa kế. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về quy định của pháp luật về thừa kế (Theo di chúc hoặc theo pháp luật) hãy giửi câu hỏi, ý kiến thắc mắc của mình về Email của công ty Luật Minh Gia để được các Luật sư, chuyên viên hướng dẫn, tư vấn các vấn đề như:

- Quy định pháp luật dân sự về chế định thừa kế;

- Tư vấn các trường hợp thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật;

- Các trường hợp không được hưởng thừa kế;

- Tư vấn tất cả các thắc mắc của bạn về pháp luật dân sự.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo những thông tin mà Luật Minh Gia cung cấp dưới đây để có thêm kiến thức về thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

2. Tư vấn về pháp luật thừa kế

Thừa kế được quy định cụ thể tại Bộ  luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015, nội dung chi tiết như sau: Quyền thừa kế Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân

Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật dân sự 2015.

2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Di sản

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế

Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Người quản lý di sản

1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.

2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

Nghĩa vụ của người quản lý di sản

1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật dân sự 2015 có nghĩa vụ sau đây:

a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

c) Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;

d) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật dân sự 2015 có nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;

b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

c) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

d) Giao lại di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.

Quyền của người quản lý di sản

1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật dân sự 2015 có quyền sau đây:

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật dân sự 2015 có quyền sau đây:

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.

Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm

Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.

Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Tài sản không có người nhận thừa kế

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự 2015;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

------------

Câu hỏi - Chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất

Kính thưa luật sư gia đình tôi có vướng mắc về thời hiệu chia thừa kế xin luật sư tư vấn giúp: Hai vợ chồng ông bà nội tôi có mảnh đất (được vợ chồng ông bà mua trước năm 1971 và sinh sống trên mảnh đất đó đến nay). Thời kì đó chưa có sổ đỏ, trên sổ mục kê của xã đã có tên của ông tôi. Năm 1982 bà tôi mất không để lại di chúc, từ thời điểm đó đến năm 2004 các con của ông tôi không ai có ý kiến và biên bản gì về mảnh đất này (đều đi lấy chồng hoặc làm ăn xa) . Vậy luật sư cho tôi hỏi di sản thừa kế của bà tôi còn hiệu lực không. Cuối năm 2004, ông nội tôi đã viết di chúc cho tôi sở hữu toàn quyền mảnh đất đó. Trong trường hợp trên, theo quy định của pháp luật thì tôi có thể toàn quyền sở hữu mảnh đất đó không? Xin luật sư tư vấn giúp tôi. Xin trân thành cảm ơn!

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin cung cấp, ông bà nội bạn có mua một mảnh đất năm 1971, do vậy sẽ áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 để xác định rằng đây là tài sản chung của ông bà nội bạn: "Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới"

Do đó, năm 1982, bà nội bạn mất thì 1/2 tài sản đó sẽ được xác định là di sản thừa kế. Vì vậy, ông nội bạn sẽ không có quyền sử dụng đối với toàn bộ phần diện tích đất đó.

Về thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế, Tại điểm b Mục 10 Nghị quyết 01/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định như sau: "Đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10-9-1990, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990"

Ngoài ra, tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này."

Như vậy, đến thời điểm này (11/2017) thì vẫn còn thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế.

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn