Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hành vi nhận xin việc cho người khác có vi phạm luật không?

Luật sư tư vấn về việc lấy tiền của người khác để xin việc nhưng không được cũng không trả lại, hành vi này được xử lý theo luật hình sự hay dân sự, vấn đề này được tư vấn như sau:

Câu hỏi yêu cầu luật sư tư vấn như sau:

Mẹ tôi đưa cho 1 người số tiền tổng cộng là 220 triệu để người ấy chạy việc cho mấy người cháu của mẹ tôi. Nhưng đến nay đã được 5 tháng rồi mà  người ấy không chạy việc được cho ai và cũng không trả lại tiền mặc dù đã hứa rất nhiều lần.

Nay mẹ tôi muốn khởi kiện đòi lại tài sản đối với người này ra tòa thì phải thực hiện các bước như thế nào? Và mức phí mà mẹ tôi phải chịu là bao nhiêu? Mẹ tôi có giấy ghi nợ, tin nhắn và ghi âm trong điện thoại làm bằng chứng. Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn đã giao cho người ta là 220 triệu đồng để nhờ xin việc giúp và có làm giấy ghi nợ. Nếu họ có hành vi nhận 220 triệu đồng để xin việc cho người khác nhưng 5 tháng sau vẫn không xin được vì nhiều lý do khác nhau mà không có hành vi bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền trên thì đó chỉ là hành vi vi phạm pháp luật dân sự.

Theo quy định của pháp luật thì giao dịch giữa mẹ bạn và người ta là đưa tiền nhờ người ta xin việc và các bên che dấu giao dịch đó bằng hợp đồng mượn tiền là trái pháp luật. Do đó, giao dịch này là vô hiệu, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 BLDS như sau:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.”

Như vậy, khi giao dịch dân sự giữa mẹ bạn và người nhận xin việc bị vô hiệu thì các bên phải hoàn trả nhau những gì đã nhận. Khi đó, mẹ bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận/huyện nơi họ cư trú để yêu cầu giải quyết.

Ngoài ra cũng cần nói thêm, hành vi nhận 220 triệu đồng để xin việc cho người khác của Mai nhưng không xin được việc và cũng không trả lại tiền có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2015) hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tại sản (Điều 175 BLHS 2015)

Điều 174 BLHS quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại…”

Điều 175 BLHS quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…”

Việc xác định hành vi của bên nhận xin việc có phải là tội phạm hay không cần phải căn cứ vào tình tiết cụ thể. Ví dụ như bên nhận xin việc có nhận 220 triệu đồng để xin việc cho người khác, nhưng sau đó không xin được, gọi điện không nghe máy hoặc có hành vi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền này thì hành vi đó có thể xác định là hành vi làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy, tùy thuộc vào tình tiết trên thực tế mới có thể xác định hành vi của bên nhận xin việc có cấu thành tội phạm hay chỉ là hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Trường hợp có dấu hiệu của tội phạm thì bạn có thể trình báo với cơ quan công an về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp mẹ bạn khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự thì án phí dân sự được quy định tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) như sau: “1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.”

Theo đó, khi mẹ bạn nộp đơn khởi kiện ra tòa án mẹ bạn sẽ phải nộp tiền tạm ứng phí theo quy định của pháp luật. 

Sau khi kết thúc vụ án, đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn nộp án phí sơ thẩm hoặc không phải nộp án phí sơ thẩm (Điều 147 BLTTDS 2015). Tức là nếu trường hợp yêu cầu của mẹ bạn được tòa án chấp nhận thì mẹ bạn sẽ được trả lại tiền tạm ứng án phí và bên kia sẽ phải chịu toàn bộ án phí, còn nếu yêu cầu của mẹ bạn không được chấp thuận thì bạn sẽ phải nộp toàn bộ án phí.

Mức án phí được quy định cụ thể tại Nghị quyết 326/NQ-UBTVQH16 như sau:

1.3

Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch

 

a

Từ 6.000.000 đồng trở xuống

300.000 đồng

b

Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng

5% giá trị tài sản có tranh chấp

c

Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng

20.000. 000 đồng + 4% của phầngiá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

d

Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng

36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng

đ

Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng

72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

e

Từ trên 4.000.000.000 đồng

112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án dân sự không có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng mức án phí dân sự sơ thẩm; trong vụ án dân sự có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết.

Như vậy, khi mẹ bạn khởi kiện ra tòa đòi lại số tiền 220 triệu đồng, mẹ bạn sẽ phải nộp tạm ứng án phí là: 220.000.000 X 5% X 50% = 5.500.000 đồng

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hành vi nhận xin việc cho người khác có vi phạm luật không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo