LS Vũ Thảo

Bên cho vay nặng lãi đe dọa khi không đủ khả năng trả nợ thì xử lý như thế nào?

Hợp đồng vay tài sản là gì? Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay? Trường hợp bên cho vay đe dọa khi bên vay không đủ khả năng trả nợ thì xử lý như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn những vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.  Như vậy, khi giao kết hợp đồng vay tài sản thì bên cho vay chuyển giao tài sản, đồng thời chuyển giao quyền sở hữu tài sản đó cho bên vay. Tuy nhiên, bên vay chỉ trở thành chủ sở hữu đối với tài sản vay khi nhận được tài sản vay đó khi có sự thống nhất với bên cho vay về một số điều kiện vay như: lãi suất, mục đích sử dụng tài sản vay, thời gian hoàn trả tài sản vay,…

Trong trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến hợp đồng vay như quyền và nghĩa vụ của các bên, lãi suất,… hoặc các vấn đề khác trong lĩnh vực dân sự thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Bên cho vay nặng lãi đe dọa khi không đủ khả năng trả nợ thì xử lý như thế nào?

Nội dung: Chào Luật sư Minh Gia!Hiện tại vợ tôi có vay tiền của xã hội đen có thỏa thuận miệng lãi suất cao (5tr lãi 100.000đ/ ngày, cứ 10 ngày họ thu 1.000.000đ). Nhưng hiện nay gia đình tôi biết tình hình nợ nần và có thương lượng với những người này xin trả dần vì gia đình không đủ khả năng trả với lãi suất cao như vậy. Nhưng họ không đồng ý và còn kéo cả giang hồ tới nhà đập phá và cạy cửa nhà (có ghi hình đập phá), họ đến cơ quan 2 vợ chồng la ó và chặn đường vợ tôi đánh đập đe dọa trên đường đi làm và đưa con nhỏ đi học. Thậm chí mẹ vợ tôi đang điều trị tại bệnh viện mà họ chặn đường ra vào bệnh viện hăm dọa đánh không cho vợ tôi vào bệnh viện mang cơm và chăm sóc cho mẹ vợ tôi. Gia đình tôi có lần trình báo công an nhưng họ bảo là quan hệ dân sự nên hai bên tự thỏa thuận công an không can thiệp.Gia đình tôi rất lo sợ đến sức khỏe của vợ và các con của tôi. Xin hỏi nếu kêu cứu pháp luật thì nên liên hệ cơ quan nào, nhờ luật Minh Gia cho tôi xin mẫu đơn và các cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết.Trân trọng!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty luật Minh Gia. Từ những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề vay tiền

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 về lãi suất như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Hành vi cho vay có thể được biểu hiện nhiều dạng khác nhau, người cho vay và người vay có thể bằng một hợp đồng viết, nhưng có thể chỉ bằng một hợp đồng miệng. Cho vay ở đây là cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Do bạn không nêu cụ thể lãi suất mà người đó cho bạn vay bao nhiêu %/tháng cũng như tổng số tiền bạn vay nên chưa thể xác định rõ hành vi trên có cấu thành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hay không.

Nếu bạn nhận thấy có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì bạn có thể gửi đơn hoặc đến trực tiếp với Cơ quan điều tra địa phương. Sau khi tiến hành xác minh có dấu hiệu của tội phạm, Cơ quan điều tra sẽ tiến khởi tố và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về việc bên cho vay đập phá, đe dọa và đánh vợ bạn:

Với hành vi kéo tới nhà đập phá và cạy cửa nhà của bên cho vay tiền có thể cấu thành Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015). Tuy nhiên, bạn cần xác định thiệt hại thực tế xảy ra. Ngoài ra, Theo Điều 584 về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và Điều 585 về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại Bộ luật dân sự năm 2015 thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với hành vi trên. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Theo Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

h) Có tổ chức;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;...."

Theo quy định trên, thì hành vi đánh vợ bạn của bên cho vay có thể sẽ cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, để xác định cụ thể mức phạt trong trường hợp này, bạn cần đến các cơ sở y tế kiểm tra để có giấy giám định thương tật xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Trong trường hợp hành vi đánh đập vợ bạn của bên cho vay cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bạn cần trình báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật với Cơ quan điều tra tại nơi cư trú. Nội dung của đơn trình báo, tố giác bao gồm các nội dung cơ bản như: Họ và tên người trình báo, ngày tháng năm sinh, số Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu thường trú, Nội dung chi tiết vụ việc. Ngoài ra có thể gửi kèm theo các chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật. 

Bạn có thể tham khảo Mẫu đơn tố cáo gửi công an

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo