Nguyễn Nhàn

Hồ sơ khởi kiện chia di sản thừa kế gồm những gì?

Hiện nay vấn đề chia di sản và hưởng di sản thừa kế không còn quá xa lạ đối với chúng ta. Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rất rõ ràng về vấn đề chia di sản thừa kế, song trên thực tế tranh chấp di sản thừa kế vẫn xảy ra thường xuyên. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện chia di sản thừa kế.

1. Thừa kế là gì?

Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người con sống, tài sản để lại gọi là di sản.

Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế như sau:

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.” Theo đó, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản thừa kế như sau: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

2. Có những loại thừa kế nào?

Có hai loại thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Thừa kế theo di chúc: Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Thừa kế theo pháp luật: Điều 649 Bộ luật dân sự quy định thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Hàng thừa kế được xác định khi việc thừa kế được tiến hành theo pháp luật mà không thông qua hoặc không có di chúc do người chết để lại.

Căn cứ Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 người thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

3. Hồ sơ khởi kiện chia di sản thừa kế gồm những gì?

+ Đơn khởi kiện chia di sản thừa kế;

+ Giấy chứng tử, hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố người để lại di sản đã chết;

+ Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản thừa kế như: giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn...

+ Bản kê khai các di sản;

+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có) tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có).

4. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế

Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 thời hiệu thừa kế:

“ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thừa kế thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.

Như vậy, người thừa kế có thể yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

5. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Căn cứ quy định Điều 35, Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì những tranh chấp về thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản nước ngoài thì tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Căn cứ quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với các vụ án dân sự như sau:

Trường hợp di sản thừa kế là động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là nơi bị đơn cư trú, làm việc. Các bên cũng có thể thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc giải quyết tranh chấp.

Trường hợp tranh chấp phân chia di sản thừa kế là bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Tranh chấp về chia di sản thừa kế là một tranh chấp khá phức tạp, các bên tham gia vào quan hệ tranh chấp thường không tự giải quyết được và phải tiến hành khởi kiện ra tòa án yêu cầu tòa án giải quyế tranh chấp về chia di sản thừa kế. Bài viết trên đây là nội dung về hồ sơ khởi kiện phân chia di sản thừa kế, cùng các nội dung pháp lý liên quan mà Luật Minh Gia cung cấp để bạn đọc có góc nhìn rõ ràng hơn khi tiến hành khởi kiện chia di sản thừa kế.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Hỗ trợ nhanh
Chat zalo