Hộ nghèo hưởng bảo hiểm y tế như thế nào?
1. Luật sư tư vấn về chế độ bảo hiểm y tế của đối tượng chính sách
Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho các đối tượng chính sách ở nước ta. Tuy nhiên, chế độ bảo hiểm y tế của hộ nghèo không được kéo dài suốt đời mà trong những thời gian do pháp luật quy định. Nếu bạn đang sử dụng bảo hiểm y tế chế độ của hộ nghèo, bạn cần nắm rõ các quy định pháp luật về chế độ này.
Trường hợp bạn đang có thắc mắc, cần giải đáp về chế độ bảo hiểm y tế của các đối tượng chính sách, hãy gửi câu hỏi của mình về địa chỉ Email của công ty Luật Minh Gia hoặc liên hệ Hotline: 1900.6169 để được các Luật sư, chuyên viên pháp lý hướng dẫn, tư vấn các vấn đề thắc mắc như:
- Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm y tế hộ nghèo;
- Quy định pháp luật chế bảo hiểm y tế của hộ nghèo;
- Tư vấn tất cả các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống tư vấn dưới đây để có thêm thông tin về pháp luật và đối chiếu với trường hợp của mình.
2. Hỏi về bảo hiểm y tế của hộ nghèo
Nội dung đề nghị tư vấn:
Mẹ tôi bị ung thư máu đang được hưởng chế độ Griveec ỏ bệnh viên Bạch mại. Bố tôi mắc bệnh tan máu bẩm sinh hàng tháng phải lên bệnh viện tiếp máu và thải sắt. Gia đình thuộc hộ nghèo và chỉ có 2 ông bà nuôi 2 cháu nội vì anh trai tôi đã mất 10 năm chị dâu bỏ đi lấy chồng không có hỏi thăm gì. Hiện bố mẹ tôi vẫn được hưởng viện phí 100% nhờ nằm trong hộ nghèo. Sợ 1 vài năm nữa xã sẽ không cho gia đình tôi vào danh sách hộ nghèo thì sẽ mất BHYT.
Vậy xin hỏi bố mẹ tôi liệu có được bảo hiểm y tế suốt phần đời còn lại không. Và các cháu tôi có được hưởng trợ cấp xã hội không? Vì theo tôi được biết con không cha mẹ bỏ đi như thế sẽ được nhà nước hỗ trợ nuôi đến năm 18 tuổi.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm:
“...3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
......
e) Trẻ em dưới 6 tuổi;
g) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;
h) Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;
....."
Theo quy định trên, Bố mẹ bạn thuộc đối tượng quy định tại Điểm h Khoản 3 Điều này – thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do Nhà nước đóng. Theo đó, pháp luật cũng quy định về mức hưởng BHYT như sau:
“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;
....
3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:
a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;
c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
4. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều này.
6. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
7. Chính phủ quy định cụ thể mức hưởng đối với việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa bàn giáp ranh; các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và các trường hợp khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này”.
Như vậy, trong trường hợp gia đình bạn được xác định không thuộc hộ nghèo, thì Bố Mẹ bạn không thuộc một trong các đối tượng nêu trên nên sẽ không được áp dụng mức hưởng BHYT nữa.
Về trường hợp của Cháu bạn:
Bạn muốn hỏi hai cháu của bạn có được hưởng trợ cấp xã hội không?
Theo Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định về đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cụ thể như sau:
“1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;
b) Mồ côi cả cha và mẹ;
c) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;
d) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
......
2. Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
....."
Như vậy, theo như thông tin bạn cung cấp: Anh trai bạn đã mất 10 năm, chị dâu bạn bỏ đi lấy chồng không có hỏi thăm gì. Bố mẹ bạn đã mất sức lao động nên không có khả năng nuôi dưỡng 2 cháu. Trường hợp này, cháu bạn thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định trên. Do đó, có thể đến xã phường xin xác nhận về việc là trẻ em bị bỏ rơi chưa có người nhận nuôi để xem xét hưởng trợ cấp xã hội.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hộ nghèo hưởng bảo hiểm y tế như thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất