Phạm Việt Hằng

Hệ quả từ vay tiền online lãi nặng

Ngày nay, bên cạnh các hình thức cho vay truyền thống nổi rộ lên các ứng dụng cho vay tiền trực tuyến. Mục đích tìm đến các ứng dụng vay tiền này chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu chi trả cho cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn có không ít những hệ quả xảy ra bởi tính chất vốn là cho vay online, cho vay trực tuyến nên không thể đảm bảo các thủ tục, giấy tờ như hình thức cho vay truyền thống. Cái được quan tâm nhất vẫn là lấy được tiền vay và sử dụng ngay. Trên thực tế, đã xảy ra rất nhiều trường hợp người vay do lạm dụng tính chất nhanh – gọn của hình thức này mà dẫn đến việc không có khả năng chi trả. Vậy liệu rằng hình thức cho vay tiền trực tuyến có được xem là cho vay nặng lãi hay không. Tình huống sau đây là một ví dụ điển hình.

Câu hỏi:

Trước em có cần tiền để chi trả cho cuộc sống trong tình hình dịch bệnh như nay nên có đi vay 5 triệu bên tín dụng đen (ổ h5 app vay tiền online) vì không có làm gì ra tiền nên em không có khả năng chi trả. Vì vậy em vay của app này để chi trả cho app kia cho nên số tiền càng ngày càng lớn. Cuối cùng số tiền vay lên đến hơn 50 triệu. (Vay 4 triệu phải trả 6 triệu trong vòng 7 ngày) vì giờ không có khả năng chi trả nên bên đó có gọi điện khủng bố dọa nạt, quấy rầy người quen, bạn bè của em. Còn cắt ghép những hình ảnh của em vào những hình ảnh khiến nhã rồi gửi cho người thân, bạn bè và khắp mạng xã hội. Em có thể làm đơn để truy bắt bên cho vay nặng lãi này không ạ?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

1. Mức lãi suất trên có được xem là cho vay nặng lãi?

Cho vay nặng lãi hiện nay đã trở thành một cụm từ thông dụng, không còn quá xa lạ trên thị trường. Các hình thức cho vay nặng lãi ngày càng đa dạng, tinh vi nhằm thu hút những người có nhu cầu song nhẹ dạ cả tin, rất dễ vướng phải những rắc rối không đáng có.

Cho vay nặng lãi hay cho vay lãi nặng được định nghĩa theo khoàn 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: ““Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.”. Mức lãi suất cao nhất theo quy định tại khoàn 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 là không quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Trong trường hợp này, bạn vay 04 triệu tiền gốc và phải trả tổng 06 triệu trong vòng 07 ngày, tức số tiền lãi là 02 triệu. Lúc này mức lãi là 50% so với tiền gốc. Đối chiếu với quy định trên thì có căn cứ cho rằng việc cho vay này thuộc trường hợp cho vay lãi nặng. 

2. Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay nặng lãi này không?

Theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP về việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cho vay nặng lãi cụ thể bao gồm:

“4. Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

5. Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt.”

Trong trường hợp của bạn, phía cho vay đã có những hành vi như gọi điện khủng bố dọa nạt, quấy rầy người quen, bạn bè của bạn, cắt ghép những hình ảnh của bạn vào những hình ảnh khiến nhã rồi gửi cho người thân, bạn bè và khắp mạng xã hội nhằm mục đích đòi số tiền bạn đã vay. Thêm nữa, số tiền vay hiện đã là 50 triệu đồng, từ các tình tiết trên có thể thấy hành vi của phía cho vay đang vi phạm vào các quy định của khoản 4, khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP nên có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi có căn cứ cho rằng hành vi trên có dấu hiệu phạm tội, bạn có thể tiến hành nộp đơn tố giác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nếu các app cho bạn vay tiền được thành lập hợp pháp theo luật các tổ chức tín dụng thì theo quy định của luật các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính được quyền tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất và không áp dụng lãi suất tối đa 20%/năm theo quy định của pháp luật dân sự. Do đó, nếu các app nêu trên được thành lập theo luật các tổ chức tín dụng thì việc họ cho bạn vay với lãi suất như trên không vi phạm quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia. Mọi thông tin, hồ sơ bổ sung kèm theo nếu có quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 1900.6169 hoặc gửi về hòm thư tư vấn của chúng tôi để được hướng dẫn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo