LS Vy Huyền

Hậu quả pháp lý khi cầm cố tài sản thuê không có sự đồng ý

Chào luật sư ,xin được luật sư tư vấn cho tôi vấn đề cầm cố tài sản cho thuê khi không có sự đồng ý của bên cho thuê. Các quan hệ dân sự phát sinh cũng như trách nhiệm hình sự khi sử dụng tài sản thuê vào mục đích trái pháp luật. Cụ thể như sau:

 

Chồng tôi là người hiền lành thương vợ nhưng mới đây lại sa ngã vào lô đề cá độ nên đã đi thuê 3 lần mỗi lần là một chiếc xe du lịch 7 chỗ, đăng ký xe photo copy rồi đem nhờ anh bạn học cũ tên là Sơn đi cầm cố lấy mỗi xe 50 triệu. Sơn làm giấy vay tiền với chủ tiệm cầm đồ mà không ký tên Sơn, sau đó đem giấy đó về đưa cho chồng tôi ký phần bên vay tiền. Phần người cho vay chủ tiệm cầm đồ đã ký sẵn. Sau mỗi lần lấy tiền là chồng tôi lại ký giấy vay như thế. Khi vỡ lở mọi chuyên tôi mới biết do không trả được xe nên bên cho thuê xe họ kiện và chồng tôi bị bắt và cả 3 chiếc xe đều bị công an thu gîữ tại tiệm cầm đồ. Hiện nay do thương chồng, muốn cho chồng nhẹ tội tôi đã bán một số đồ dùng trong nhà để trả bớt cho chồng số tiền đã cầm cố nhưng chủ tiệm cầm đồ cũng yêu cầu trả trực tiếp cho họ và ngược lại Sơn cũng yêu cầu phải trả cho Sơn. Tôi thấy chồng tôi chỉ ký giấy vay mà bên cho vay là chủ tiệm cầm đồ chứ không phải Sơn ký nhưng Sơn lại bảo giấy này do Sơn đem về cho chồng tôi ký chứ chồng tôi không biết chủ tiệm là ai. Và chồng tôi nhận tiền từ Sơn nhưng lại không ký nhận gì với Sơn cả.

Thưa luật sư như vậy theo đúng pháp luật thì tôi phải trả tiền cho Sơn hay cho chủ tiệm cầm đồ và nếu trả hết chồng tôi có phải đi tù không. Chủ tiệm cầm đồ nhận cầm những xe không giấy tờ như thế có được pháp luật can thiệp không. Xin chân thành cám ơn luật sư.

 

=> Tư vấn quy định pháp luật về Cầm cố tài sản, gọi 19006169

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, theo thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn đang nằm trong 3 quan hệ dân sự: với S; với tiệm cầm đồ và với bên thuê xe.

 

-  Đối với S: S chỉ là người đại diện cho chồng bạn xác lập giao dịch cầm cố với bên cầm đồ, chồng bạn mới là người ký vào giấy vay tiền. Như vậy người chịu trách nhiệm với tiệm cầm đồ là chồng chị chứ không phải S và về mặt pháp lý thì gia đình chị không có nghĩa vụ gì với S cả, trừ trường hợp giữa hai người có hợp đồng ủy quyền về việc đại diện này thì gia đình sẽ có nghĩa vụ thanh toán theo nội dung của hợp đồng ủy quyền.

 

-  Đối với tiệm cầm đồ: Chồng chị đã thực hiện giao dịch cầm cố với tiệm cầm đồ, có giấy xác nhận và chữ ký của hai bên. Tuy nhiên, Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về cầm cố tài sản như sau: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”.  Do đó tài sản sử dụng trong cầm cố phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố (phải là tài sản của chồng chị). Việc tiệm cầm đồ vẫn thực hiện cầm cố đối với 3 chiếc xe thuê này là không đúng quy định pháp luật bởi không có sự đồng ý của bên cho thuê xe. Vì thế giao dịch dân sự này vô hiệu và các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Gia đình có trách nhiệm trả lại các khoản tiền đã vay cho tiệm cầm đồ (150 triệu).

 

-  Đối với bên thuê xe: Điều 480 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích:

 

“1. Bên thuê phải sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.

 

2. Trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

 

Do vậy bên thuê xe có quyền kiện chồng bạn và đòi bồi thường thiệt hại vì đã làm trái với hợp đồng thuê xe.

 

Như vậy gia đình bạn phải thực hiện việc trả tiền và bồi thường cho tiệm cầm đồ và bên thuê xe.

 

Thứ hai, khi bên thuê xe khởi kiện chồng bạn thì có thể chồng bạn sẽ phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể:

 

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hậu quả pháp lý khi cầm cố tài sản thuê không có sự đồng ý. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia: Trần Hoàng Việt – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo