LS Nguyễn Thùy Dương

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác

Tư vấn yêu cầu bồi thường thiệt hại và trình tự, thủ tục khởi kiện tại Tòa án trong trường hợp tài sản bị hủy hoại như sau: Đất vườn nhà ông A và đất vườn nhà ông B giáp nhau một đoạn hang rào và hàng rào này nằm trên đất vườn ông A từ rất lâu. Trước đây hai thửa đất của ông A và ông B cách nhau một lối đi chung của xóm (khoảng 1-1,5m), hiện nay đã có đường đi mới nên ông B canh tác thêm phần đất ở đoạn đường ngang qua đất vườn nhà ông.

 

Và trong đoạn rào này có một hàng Sưa Trắng đã trên 30 tuổi. ông B cho rằng cây sưa đổ lá sang nhà, nên ông B dùng lửa đốt chết 2 cây nhưng không hề trao đổi gì với nhà ông A, vụ việc được phát hiện vào ngày 01/02/2015. Ngày 03/02/2015, ông A gửi đơn đến Ban dân chính thôn. Đến ngày 09/02/2015, Tổ hòa giải cơ sở của thôn (nơi ông A và ông B cư trú) đã mời hai bên đến giải quyết. Tại buổi làm việc này, ông B đã thừa nhận có đốt chết cây của ông A và đồng ý ký tên vào biên bản. Ông A không chấp nhận hòa giải và yêu cầu ông B phải bồi thường thiệt hại. Kết quả hòa giải không thành, Tổ hòa giải chuyển vụ việc cho UBND xã giải quyết. Trong thời gian một năm, ông B không trao đổi gì với gia đình ông A. Nên đến ngày 02/02/2016, ông A tiếp tục gửi đơn nhờ UBND xã giải quyết. Ngày 09/3/2016, UBND xã mời ông A và ông B đến trụ sở để hòa giải nhưng ông B không đi và vợ ông B đi thay. Do thời gian xảy ra vụ việc, vợ ông B không có mặt tại địa phương, đương sự là ông B chứ không phải vợ ông nên Hội đồng hòa giải không giải quyết. Ngày 14/3/2016, UBND xã tiếp tục mời, ông B có đến trụ sở UBND xã nhưng trễ so với thời gian quy định 70 phút, Hội đồng hòa giải không giải quyết. Ngày 16/3/2016, UBND xã mời hai bên đến để giải quyết. Tại buổi làm việc này, ông B không xác nhận ý kiến tại biên bản giải quyết lần đầu của Tổ hòa giải ở thôn và cho rằng ông không đốt, đồng thời ông không có đủ tiền để bồi thường. Hội đồng hòa giải kết luận hòa giải không thành. Ông A đề nghị UBND hướng dẫn thủ tục để gửi hồ sơ lên Tòa giải quyết. Vậy theo các luật gia, việc làm của ông B có đúng không? nếu ông B vi phạm luật thì phải xử lý như thế nào? Trình tự giải quyết từ thôn đến xã như thế đã đảm bảo chưa? Nếu ông A yêu cầu đưa vụ việc đến Tòa án thì cần thủ tục và trình tự gì?

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau (Tình huống bạn hỏi tại thời điểm 2015):

* Việc làm của ông B có đúng không và nếu ông B vi phạm luật thì phải xử lý như thế nào?

Hai cây sưa trắng là tài sản của ông A, việc ông B dung lửa đốt hai cây này khi chưa có sự đồng ý của ông A đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của ông A và theo quy định nếu gây ra thiệt hại thì ông B phải có trách nhiệm bồi thường.

Theo quy định tại Bộ luật dân sự:

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thiệt hại trong trường hợp này bao gồm thiệt hại do tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng, thiệt hại gắn với lợi ích của việc sử dụng, khai thác tài sản và các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Do đó, ông B có trách nhiệm bồi thường cho ông A do hành vi của mình gây ra.

Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

Điều 143*. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Theo thông tin bạn cung cấp, hai cây sưa trắng đã trên 30 tuổi và là tài sản có giá trị. Do đó, căn cứ vào giá trị thực tế của hai cây sưa trắng bị đốt, nếu giá trị trên 2 triệu đồng thì ông B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định trên.

* Trình tự giải quyết từ thôn đến xã như thế đã đảm bảo chưa?

Sau khi sự việc xảy ra, ban dân chính thôn đã tiến hành hòa giải. Hòa giải ở thôn không thành tổ hòa giải đã chuyển vụ việc cho UBND xã giải quyết. UBND xã đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành do ông B không hợp tác và thiếu thiện chí. Trình tự giải quyết như vậy đã đảm bảo yêu cầu về việc hòa giải cơ sở.

* Nếu ông A yêu cầu đưa vụ việc đến Tòa án thì cần thủ tục và trình tự gì?

Nếu ông A khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Tòa án có thẩm quyền thì ông A cần nộp đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo đến Tòa án huyện nơi ông B cư trú.

 

Kèm theo đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại còn có văn bản xác nhận của Tổ hòa giải cơ sở của thôn về việc ông B đã thừa nhận đốt 2 cây sưa trắng của ông A, biên bản hòa giải không thành của UBND xã và các căn cứ chứng minh thiệt hại do hành vi của ông B gây ra.

 

>> Luật sư tư vấn thắc mắc pháp luật, gọi: 1900.6169

 

-------------

Câu hỏi thứ 2 - Có được phép tự ý chặt phá cây cối của hộ gia đình, cá nhân khác?

 

Dạ xin chào luật sư!E ở bắc giang e muốn hỏi 1 vấn đề như sau: khu đất nhà e hiện đang sinh sống là khu đất sườn đồi. Gia đình e đã ở đó và được cấp sổ đỏ từ trước năm 1986. Gia đình e có trồng hàng cây bạch đàn năm 1997 ở hàng rào giáp ranh với khu đất của gia đình bên( có người làm chứng) .Khu đất của gia đình bên là khu đất của nhà nước được gia đình này thuê lại để trồng cây, khoảng 3 năm gần đây gia đình đó đã xin được cấp sổ ở khu đất đó và xây nhà ở đó. Vừa qua gia đình bên đã chặt số cây bạch đàn do nhà em trồng. Vậy em xin hỏi luật sư là gia đình đó có được phép chặt không? Làm thế nào để gia đình em lấy lại số cây đó? Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

 

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể:

 

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

 

Theo đó, việc gia đình liền kề tự ý chặt phá tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình (cây cối của mình) là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, có căn cứ để gia đình yêu cầu họ bồi thường, trường hợp họ không thực hiện thì có thể làm đơn đề nghị gửi Uỷ ban nhân dân hoặc khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Ngô Thị Bắc – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh