Luật gia Nguyễn Nhung

Hành vi cản trở công việc của người khác và quy định về tố cáo

Tư vấn về hành vi cản trở công việc của người khác và quy định về tố cáo


Nội dung tư vấn:

Tôi là nhân viên kế toán hợp đồng cho trường mầm non do vợ tôi nghỉ hậu sản, hết hạn hợp đồng là 15/3/2016 nhưng đến chiều ngày 25/3/2016 hiệu trưởng chỉ đạo phó hiệu trưởng điện thoại di động mời tôi lên làm việc đột xuất mà không có lí do. Khi tôi vào trường họp, hiệu trưởng hỏi tôi là có làm đơn thưa hiệu trưởng vi phạm qui chế chi tiêu nội bộ về tăng thu nhập cuối năm, chèn ép giáo viên vi phạm nguyên tắc tự do dân chủ, kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất thu và chi không đúng quy định đa số người nhà vào làm (Mua hóa đơn bán hàng để thanh toán khoản này), thức ăn cung cấp cho trường do em ruột cung cấp, giá cả và chất lượng như thế nào? Hiệu trưởng nói thêm đơn đó cả kèm theo hình ảnh có bàn tay của tôi đeo chiếc nhẫn (hiệu trưởng có đưa hình ảnh từ trang zalo của cá nhân hiệu trưởng cho tôi xem và tôi cũng thấy như vây, nhưng không biết cán bộ nào thông tin như vậy) và quay phim biên bản vi phạm về chi tăng thu nhập nhưng rất mờ, không đọc được (Do tôi có mượn sổ họp hội đồng ra ngoài khoảng 5 phút) Đơn thưa này là nặc danh, đơn này mail lên mail của các cấp lãnh đạo, báo chí (Không có họ, tên, địa chỉ gì hết). Biên bản có nội dung như vậy, tôi đã trả lời là không biết gì. Thông tin hiệu trưởng vi phạm là đúng thực tế. Tôi có công việc khác là kế toán biên chế trường tiểu học kế bên, chiều 25/3/2016 tôi có nhiệm vụ nộp báo cáo của trường tiểu học lên cấp trên, nhưng do cô hiệu trưởng trường mầm non mời làm việc xong trể nên tôi không nộp được, tôi có nói với hiệu trưởng trường mầm non là có báo cáo của trường tiểu học phải nộp, hôm nay không nộp được và nộp trể rồi đó cô. Hỏi:

1. Hiệu trường trường mầm non làm ảnh hưởng công việc trường tiểu học của tôi như vậy, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi (Vì tôi luôn hoàn thành công việc của hiệu trưởng trường tiểu học giao, mấy đêm không ngủ được vì công việc không hoàn thành và ngày 25/3/2016 tôi phải đi khám bệnh ở bệnh viện cấp huyện), hành động của hiệu trưởng trường mầm non không biết có cố tình hay vô tình, nếu hành động là cố tình hay nếu vô tình thì tôi phải làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình (Nếu hiệu trưởng trường mầm non vi phạm pháp luật thì tôi phải dựa vào văn bản pháp luật nào?).

2. Hành động gởi zalo của cán bộ (tôi không rõ ai) với cô hiệu trưởng trường mầm non là đúng hay sai? Trách nhiệm cán bộ này ra sao? (Nếu cán bộ này vi phạm pháp luật thì tôi phải dựa vào văn bản pháp luật nào?). Tôi thấy nội dung trong đơn là có thật, bây giờ tôi đã hiểu và thông suốt nên tôi muốn làm đơn đề nghị làm rõ việc này và xem xét trách nhiệm thì có được hay không? Nếu được trình tự nộp hồ sơ ra sao? Theo công ty luật thì việc này được xử lý như thế nào? Tôi xin tham khảo Tôi xin nhận được phản hồi sớm nhất và xin cảm ơn công ty.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin tư vấn trường hợp này của bạn như sau:

Thứ nhất, về việc hiệu trưởng tiểu học làm ảnh hưởng đến công việc của bạn.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì ngày 25/3/2016 bạn phải nộp báo cáo lên hiệu trưởng tiểu học. Trong khi đó thì hiệu trưởng mầm non lại gọi bạn đến để làm việc. Như vậy, trong trường hợp này, bạn phải có nghĩa vụ thông báo trước cho hiệu trưởng mầm non về công việc phải đi nộp báo cáo của bạn. Và khi đến thời gian nộp báo cáo bạn phải nói cho người hiệu trưởng mầm non biết và xin phép về để đi nộp báo cáo. Nếu bạn không thông báo cho người hiệu trưởng mầm non biết và dẫn tới hậu quả là bạn không nộp được báo cáo thì người hiệu trưởng này sẽ không có trách nhiệm gì bởi đây là lỗi của bạn. Nếu người hiệu trưởng mầm non cố tình cản trở bạn, không cho bạn đi thực hiện công việc thì người hiệu trưởng mầm non sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu có hậu quả xảy ra theo quy định của pháp luật dân sự:

“Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”

Thứ hai, về hành động của người cán bộ.

Pháp luật có quy định quyền tố cáo là quyền của công dân. Và hiện nay, về việc tố cáo nặc danh, pháp luật chỉ quy định về việc xem xét có giải quyết hay không các đơn tố cáo nặc danh này. Tuy nhiên, nếu người gửi đơn nặc danh mà gây ảnh hưởng xấu, nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của của người bị tố cáo và bạn thì họ và bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền để điều tra, truy tố về hành vi vu khống theo Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999:

“Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

Thứ ba, về việc bạn muốn nộp đơn.

Trong trường hợp bạn có căn cứ rõ ràng và có đầy đủ chứng cứ chứng minh thì bạn có thể làm đơn tố cáo gửi lên Ban giám hiệu nhà trường. Nếu không được giải quyết thì bạn có thể gửi đơn lên Phòng giáo dục và đào tạo nơi Trường mầm có trụ sở. Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh trường hợp không có căn cứ rõ ràng mà đi tố cáo người hiệu trưởng thì bạn có thể bị họ kiện với tội vu khống mà chúng tôi đã nêu ra ở trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hành vi cản trở công việc của người khác và quy định về tố cáo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

.
C.V Hoàng Thu – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo