LS Vũ Thảo

Hàng xóm có hành vi trộm nước và xâm phạm về chỗ ở thì xử lý như thế nào?

Tư vấn về trường hợp hàng xóm có hành vi trộm nước ở bể nước để trên sân thượng, đồng thời xâm phạm chỗ ở để thực hiện hành vi vứt phân, đất cát sang nhà người khác.

 

Nội dung: Xin chào luật sư. Đầu tiên xin chúc luật sư và gia đình năm mới mạnh khỏe và thành công. Hiện nay tôi đang gặp trường hợp khó giải quyết, rất mong được luật sư tư vấn về luật.Nhà tôi nằm giữa 2 nhà B và C. Nhà tôi và nhà B có cùng mặt bằng trần thượng (do nhà chủ cũ chia lô đất và xây 2 nhà cùng nhau). Hiện nay tôi nhận thấy có những vấn đề sau: 1. Nhà B có nuôi chim, gà, trồng cây trên sân thượng nhà B. Tuy nhiên B thường xuyên đi qua trần nhà tôi để vứt phân, đất cát sang phần vườn nhà C. 2. Hành vi này tôi chưa chứng minh được là có nên vẫn là nghi vấn. Tôi nghi ngờ nhà B lợi dụng nhà tôi có bể nước trên sân thượng nên thường xuyên hút nước nhà tôi để sử dụng. Nguyên nhân là trước tết tôi về quê, đã bơm đầy nước lên bể để đảm bảo khi xuống có thể sử dụng. Khi xuống thì phát hiện là bể vơi 1 nửa (Dung tích bể 1500 lít). Hàng tháng gia đình tôi (2 vợ chồng) theo hóa đơn nước sử dụng ít nhất là 10m3 nước. Trong khi đó nhà B có mức tiêu thụ nước ít hơn 1/2 mặc dù đông thành viên hơn (6 người) và phục vụ trồng cây.Hiện nay tôi muốn hỏi là khi tôi xác định được hành vi trộm nước nhà tôi thì tôi có thể xử lý theo pháp luật như thế nào. Ngoài ra hành vi nhà B bước qua nhà tôi thì có vi phạm tài sản của tôi không.Xin cám ơn luật sư

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty luật Minh Gia. Từ những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về hành vi trộm nước của B

 

Bạn cần chứng minh được hành vi của B có trái pháp luật hay không? Hành vi đó đã gây ra thiệt hại thực tế như thế nào? (thiệt hại bằng tài sản có thể tính toán được bằng một số tiền cụ thể). Do bạn không cung cấp chi tiết, cụ thể thông tin nên tôi chưa thể khẳng định hành vi của B có bị xử lý theo quy định pháp luật hay không. Tuy nhiên, tùy vào mức độ thiệt hại mà B có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là bị xử lý hình sự.

 

Ngoài ra, khi đã xác định được hành vi của B là hành vi vi phạm pháp luật và xác định rõ thiệt hại xảy ra thì bạn có thể khởi kiện lên Tòa án yêu cầu B bồi thường thiệt hại theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015:

 

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

 

Thứ hai, về hành vi B bước qua nhà

 

Căn cứ theo Điều 22 Luật Hiến pháp năm 2013 quy định:

 

"1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

 

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

 

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định."

 

Trong trường hợp này, bạn có quyền yêu cầu B dừng lại hành vi bước qua nhà bạn để vứt phân, đất cát trên vườn nhà C. Nếu B còn thực hiện lại hành vi trên thì bạn có thể tố cáo tới cơ quan chính quyền địa phương yêu cầu B dừng lại hành vi xâm phạm về chỗ ở của bạn. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Vũ Thị Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo