Góp vốn kinh doanh và chia lợi nhuận quy định thế nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề góp vốn kinh doanh, quy định về phân chia lợi nhuận, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng góp vốn kinh doanh và giải quyết khi có vi phạm? Cụ thể như sau:

Câu hỏi:

E có 1 hợp đồng góp vốn làm một dự án trung tâm game tại trung tâm thương mại từ cuối 2016. Dự án là 900tr . e góp vốn là 250tr. Và bên công ty cam kết lợi nhuận hàng tháng thấp nhất của cả dự án là 8,3% trong năm 2016 (có trong hợp đồng) . và đến 2017 sẽ tùy theo tình hình mà có sự bàn bạc thay đổi về lợi nhuận của dự án. Và từ đầu năm 2017 đến nay ko có bất kì cuộc gặp hay thỏa thuận bằng văn bản nào giữa e và bên cty về lợi nhuận bắt buộc của dự án. Và bên phía công ty đang muốn đóng cửa trung tâm.

Vậy e xin hỏi là nếu như năm 2017 ko có thêm văn bản thống nhất về lợi nhuận bắt buộc thì có hưởng lợi nhuận như 2016 trước đó ko. Và xin hỏi từ đầu năm 2017 đến nay họ ko chi trả lợi nhuận và họ muốn tự ý đóng của trung tâm game do làm ăn thua lỗ thì e muốn kiện họ được ko? E sẽ kiện theo điều nào, khoản nào và thuộc tội danh nào ạ?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Vì theo thông tin bạn cung cấp không thể hiện bạn tham gia góp vốn cho công ty thuộc loại hình doanh nghiệp nào, và việc bạn tham gia góp vốn có phải với tư cách thành viên góp vốn cho công ty?

Theo thông tin bạn cung cấp, tuy không thể hiện rõ ràng nhưng chúng tôi nhận định rằng bạn đang tham gia đầu tư thu lợi nhuận với một bên công ty mà không thành lập tổ chức kinh tế, cũng như không phải với vai trò một thành viên góp vốn của công ty đó. Do vậy, hợp đồng dữa bạn và phía công ty kia là hợp đồng hợp tác kinh doanh trên cơ sở góp vốn và hưởng lợi nhuận dựa trên phần vốn góp.

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định về Hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau:

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Tại Điều 29 Luật Đầu tư năm 2014 quy định về nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh:

1. Hợp đồng BCC gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;

b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

3. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

Theo đó, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của hai bên sẽ được thực hiện theo căn cứ quy định trên hợp đồng, những vấn đề về phân chia lợi nhuận, quyền quyết định việc hoạt động của trung tâm cũng sẽ áp dụng theo thỏa thuận giữa bạn và công ty được ghi nhận trong hợp đồng.

Cũng theo phân tích trên, nếu trong hợp đồng hợp tác kinh doanh có thỏa thuận về việc chấm dứt hoạt động của trung tâm game phải thông qua sự đồng ý của bạn, thì bạn hoàn toàn có thể kiện công ty nếu công ty tự ý đóng cửa trung tâm. Còn ngược lại nếu hợp đồng không thỏa thuận việc bạn có quyền quyết định đối với việc chấm dứt hoạt động của trung tâm game đó, hoạt động của trung tâm hoàn toàn do phía công ty quyết định, bạn chỉ là người góp vốn và hưởng lợi nhuận chứ không có quyền can thiệp vào hoạt động của công ty thì trong trường hợp này, bạn không có đủ căn cứ để kiện bên công ty.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169