LS Vy Huyền

Giấy vay tiền không có lãi suất thỏa thuận ngoài cao hơn mức quy định có đòi được không?

Luật sư tư vấ về vấn đề: Trong giấy vay nợ không ghi có lãi suất, tuy nhiên có thỏa thuận mỗi tháng trả 30%/1 tháng. Nay người vay tiền mất khả năng chi trả có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu kiện đòi tài sản đã cho vay được không? Mảnh đất người vay đang thế chấp trong ngân hàng có được kê biên để thi hành án hay không?

 

Nội dung tư vấn: Chào Luật sư. Cách đây 5 tháng, em có cho một người bạn mượn số tiền 11 tỷ để làm ăn, thời hạn 3 tháng. Trong giấy Mượn tiền không có ghi lãi suất nhưng mỗi tháng người này vẫn chuyển cho em 30%. Được 2 tháng thì người này mất khả năng chi trả. Sau đó em quyết định khởi kiện, người này doạ là tố cáo em cho vay nặng lãi.

Hỏi: Nếu em chỉ đòi số tiền gốc trừ đi 60% người này đã trả (4 tỷ 4) thì có được giải quyết không? Có bị tố là cho vay nặng lãi không? Một điều nữa là người này có mảnh đất trị giá 2 tỷ 8 tài sản chung với chồng nhưng đã cầm ngân hàng, còn thiếu 250 triệu nữa mới trả đủ (đáo hạn là năm 2021). Nếu toà xử em thắng kiện người đó phải làm sao để trả nợ em đây? Xin cảm ơn quý luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Về Tội cho vay lãi nặng:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 201 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

 

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên , thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Như vậy, trường hợp cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội  này mà chưa được xóa án tích thì bị truy cứu TNHS về Tội cho vay lãi nặng.

 

Lãi suất tối đa mà phát luật dân sự cho phép các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm (theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015).

 

Vì hợp đồng không ghi lãi suất, hàng tháng người vay chuyển cho bạn 30% số tiền vay. Do đó, cần làm rõ 30% này là lãi suất hay tiền gốc để xác định có hành vi cho vay lãi nặng hay không. Trường hợp nếu như bạn cho vay với lãi suất 30%/tháng và thu lợi bất chính trên 30 triệu đồng thì bạn có thể bị truy cứu TNHS về tội cho vay lãi nặng theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015. 

 

- Về việc đòi lại tiền cho vay: Trong trường hợp người này không trả tiền thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân quận/huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu tòa án giải quyết và kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

 

- Về việc xử lý tài sản đảm bảo thi hành án:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 90 về Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp của Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 như sau:

 

1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

 

2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.

 

Đối với trường hợp này của bạn, nếu như người vay không có tài sản nào khác để thi hành án ngoài mảnh đất  đang thế chấp tại ngân hàng mà giá trị của mảnh đất đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm thì Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản đó.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
 

Phòng Luật sư tư vấn dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo