Trần Phương Hà

Con ủy quyền cho bố, mẹ mua bán đất được không?

Xin chào luật sư. Tôi có thể hỏi luật sư về việc làm giấy uỷ quyền bán đất được không ạ? Gia đình tôi đang định cư ở Mỹ. Gia đình tôi vẫn còn 1 miếng đất ở Việt Nam và hiện tại đang được đứng tên bởi bố tôi, 1 em trai 18 tuổi, và 1 em trai 12 tuổi. Bây giờ miếng đất đang có người muốn mua nhưng 2 em trai của tôi đang trong kì học ko thể về Việt Nam ký giấy bán đất được. Liệu 2 em trai của tôi có thể làm giấy uỷ quyền cho bố tôi bán đất được không?

Tôi có tham khảo giấy tờ và mẫu đơn làm giấy uỷ quyền của đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tôi biết là điều này có thể làm được dễ dàng đối với em trai tôi trên 18 tuổi. Điều tôi băn khoăn là bên phía Việt Nam có chấp nhận cho đứa em 12 tuổi của tôi làm giấy uỷ quyền cho bố tôi được không? Bố tôi cũng là người đứng tên trong giấy tờ của miếng đất đó. Xin luật sư tư vấn và hướng dẫn giúp tôi quy định pháp luật liên quan. Cảm ơn luật sư nhiều lắm.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 10 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi:

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi…”

Điều 136  Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về người đại diện theo pháp luật: "Người đại diện theo pháp luật bao gồm:

“1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;...".

Điều 141 Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định về phạm vi đại diện:

1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Điều lệ của pháp nhân;

c) Nội dung ủy quyền;

d) Quy định khác của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Điều 75 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền có tài sản riêng của con:

"1. Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.

2. Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập.

3. Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của Luật này".

Điều 77 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự:

"1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện".

Pháp luật quy định con (không phân biệt đã hay chưa thành niên) đều có quyền có tài sản riêng, tài sản riêng của con được hình thành từ các nguồn được liệt kê tại khoản 1 Điều 75 Luật hôn nhân và gia đình 2014.Tuy nhiên, việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên phải có sự tham gia đại diện của cha hoặc mẹ, trừ một số trường hợp con chưa thành niên được tự mình định đoạt theo Luật định.

Thứ nhất, đối với trường hợp của bạn, riêng người con trên 18 tuổi sẽ liên hệ tới Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước đang cư trú để tiến hành ký kết văn bản ủy quyền, nội dung ủy quyền là trao cho bố tại Việt Nam thay mặt thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Khoản 7 và Khoản 8 Điều 8 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định về thực hiện nhiệm vụ lãnh sự:

“7. Thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên; tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận.

8. Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu của nước ngoài và chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.”

Thứ hai, đối với trường hợp của người con trai 12 tuổi, căn cứ theo Khoản 1 Điều 77 Luật hôn nhân và gia đình 2014, mặc dù cha sẽ là người đứng ra để xác lập, thực hiện giao dịch đối với tài sản riêng của con nhưng việc thực hiện giao dịch trên phải vì lợi ích của con. Ví dụ như việc bán đất để chữa bệnh cho con hay để tạo điều kiện cho con học tập…

Xét về nguyện vọng của con, nếu con không trực tiếp tham gia thì con có thể thể ý chí chủ quan của mình bằng văn bản và tới cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để xin xác nhận. Sau khi nhận được văn bản trên từ nước ngoài gửi về thì bố có quyền quyết định việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng nói trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo