Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giao dịch dân sự vượt quá phạm vi ủy quyền, trách nhiệm thuộc về ai?

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

1. Luật sư tư vấn về hợp đồng ủy quyền

Trên thực tế, chúng ta thấy rằng không phải lúc nào các cá nhân đều có thể trực tiếp tham gia vào các quan hệ hợp đồng. Việc không có điều kiện hoặc không có khả năng tham gia trực tiếp trong một số giao dịch dân sự cụ thể có nhiều lý do khác nhau, như vậy thì một chủ thể có thể chuyển giao quyền thực hiện công việc của mình cho một chủ thể khác thực hiện thay. Điều này được pháp luật quy định rõ ràng trong Điều 562 BLDS năm 2015: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Nếu bạn đang gặp phải vướng mắc liên quan đến hợp đồng ủy quyền, bạn cần tham khảo các quy định pháp luật về dân sự hoặc ý kiến của luật sư có chuyên môn. Trong trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến hợp đồng ủy quyền, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169, để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn dưới đây để có thêm kiến thức về pháp luật.

2. Giao dịch dân sự vượt quá phạm vi ủy quyền, trách nhiệm thuộc về ai?

Câu hỏi: Mẹ tôi có một căn nhà, khi mẹ tôi mất không để lại di chúc. Sáu anh em tôi đã làm một giấy ủy quyền cho một người em đứng tên để làm giấy tờ hợp thức hóa nhà đất. Sau đó người em này tự ý bán căn nhà trên và chỉ thỏa thuận chia tiền nhà với một người em khác còn 4 người khác thì không hề hay biết. Vậy trong trường hợp trên chúng tôi có thể đòi lại quyền lợi cho 4 người còn lại không? Xin cảm ơn.

>> Giải đáp vướng mắc pháp luật về ủy quyền, gọi 19006169

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp mẹ bạn có một ngôi nhà và khi mất không để lại di chúc thì 6 anh em bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật và mỗi anh em sẽ được hưởng các phần bằng nhau khi chia ngôi nhà của mẹ bạn. 6 anh em bạn đã làm giấy ủy quyền cho một người em đứng tên để làm giấy tờ hợp thức hóa nhà đất. Về quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền được quy định tại Điều 141 và Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 562. Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

“Điều 141. Phạm vi đại diện

1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Điều lệ của pháp nhân;

c) Nội dung ủy quyền;             

d) Quy định khác của pháp luật.”

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì 5 anh em chỉ ủy quyền để hợp thức hóa giấy tờ nhà đất chứ không phải ủy quyền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trường hợp khi em bạn bán ngôi nhà theo quy định của pháp luật thì phải được sự đồng ý của 5 người đã ủy quyền, phù hợp với ý chí và lợi ích của 5 người đã ủy quyền. Việc người em tự ý bán ngôi nhà đã vượt quá phạm vi của ủy quyền.

Trong trường hợp em trai bạn thực hiện công việc vượt quá phạm vi đại diện thì hậu quả được xác định theo Điều 143 Bộ luật Dân sự:

“Điều 143. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện đồng ý;

b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.”

Trường hợp này, các anh em của bạn có thể khởi kiện ra tòa để bảo đảm quyền lợi của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giao dịch dân sự vượt quá phạm vi ủy quyền, trách nhiệm thuộc về ai?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo