Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giải quyết với trường hợp cầm cố tài sản là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Ông A ép bố tôi làm giấy cầm cố Quyền sử dụng đất cho ông B và C với số tiền lần lượt là 7 cây vàng và 8 cây vàng, Nay ông B kiện bố tôi ra Tòa yêu cầu bố tôi trả ông B 7 cây vàng để ông B trả lại giấy chứng nhận QSDĐ nhưng bố tôi không đồng ý. Vậy bố tôi có phải trả ông B số vàng đó không? Tôi muốn tố giác ông A có được không?

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Năm 2014 ba tôi chơi  đề thua ông  A với  số  tiền  lớn gần 500 triệu. Ba tôi  không còn  khả  năng  trả ông  A, ông  A mới  hăm dọa ép ba tôi làm  giấy  cầm cố QSDĐ cho hai ông B và C. Phần ông B là 7 cây vàng 24k, ông C là 8 cây vàng 24k sau khi làm giấy  xong là  ra về không ai giao tiền cho ai cả. Hiện nay ba tôi  không còn  chơi  số  đề  nữa, ông A đã bỏ đi nơi  khác. Vào 6/2017 ông B kiện  ba tôi  toà án đòi ba tôi trả  tiền để  ông B trả  giấy chứng  nhận QSDĐ. Do ba tôi  bị  ép  kí  và nhận  thấy  có  sự  thông đồng  giữa  ông A, B và C nên ba tôi  ko chấp  nhận. Vậy ba tôi  có  phải  trả  số tiền đó cho ông  B ko? Thời  gian đã qua lâu, tôi có  thể tố  giác  ông A được  ko? (ko có  bằng  chứng chỉ  có ba tôi là nhân chứng).

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề bố bạn có phải trả lại số tiền hay không?

 

Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất của người sử dụng đất như sau:

 

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

 

Như vậy theo quy định này người sử dụng đất không được thực hiện giao dịch cầm cố đối với quyền sử dụng đất. Do đó trong trường hợp này giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất giữa bố bạn và ông B, C không được thừa nhận. Giao dịch đó được coi là giao dịch vô hiệu do trái các quy định tại Điều 117 Luật Dân sự 2015.

 

Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự như sau:

 

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

...”

Do đó, trong trường hợp này giao dịch cầm cố giữa bố bạn và ông B, C được coi là giao dịch dân sự vô hiệu, theo đó ông B phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bố bạn phải trả lại ông B vàng. Tuy nhiên, theo thông tin mà bạn cung cấp thì ông B, C chưa đưa vàng cho bố bạn mà chỉ ký các giấy tờ nên trong trường hợp này bố bạn không có nghĩa vụ phải trả số vàng đó.

 

Thứ hai, về việc tố giác hành vi của ông A

 

Lô đề được coi là một hình thức của đánh bạc vì vậy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc trái phép theo quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tùy thuộc vào mức độ của hành vi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hành chính. Mặc dù hành vi tổ chức chơi lô đề của ông A diễn ra vào năm 2014 đến nay đã được 3 năm nhưng bạn vẫn có thể tố cáo hành vi này của ông A. Điều 23 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

 

“1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

 

a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;

 

b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

 

c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;

 

d)  Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

 

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo