Cao Thị Hiền

Giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc thế nào?

Hiện nay, giao dịch đặt cọc ngày càng trở nên phổ biến do các giao dịch dân sự như mua bán, chuyển nhượng, cho thuê…Song việc đặt cọc cũng dễ phát sinh ra nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp giữa các bên với nhau. Việc giải quyết tranh chấp như thế nào cho hợp lý đảm bảo được quyền lợi cho các bên. Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin pháp lý về vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc.

 1. Hợp đồng đặt cọc là gì? Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc

Khái niệm đặt cọc, hợp đồng đặt cọc:

Căn cứ khoản 1 Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 quy định đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Hợp đồng đặt cọc có thể được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền kim khí quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Hợp đồng đặt cọc được lập ra để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của các bên.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc:

Đặt cọc được xem là một giao dịch dân sự, do đó, hợp đồng đặt cọc cũng phải đáp ứng những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 117 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Như vậy, để hợp đồng đặt cọc có hiệu lực thì hợp đồng đặt cọc phải đáp ứng 4 tiêu chí nêu trên.

2. Tranh chấp hợp đồng đặt cọc là gì?

Tranh chấp hợp đồng đặt là những bất đồng, xung đột về quyền và lợi ích giữa các bên liên quan đến hợp đồng đặt cọc. Tranh chấp đặt cọc thường xoay quanh vấn đề về hiệu lực của hợp đồng; điều kiện chuyển nhượng không đúng như cam kết; tranh chấp về tiền cọc, mức bồi thường khi không thực hiện được nghĩa vụ…

3. Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Tranh chấp hợp đồng đặt cọc là tranh chấp thường xuyên xảy ra, khi xảy ra tranh chấp các bên có thể lựa chọn các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

Thương lượng: Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên trong quan hệ tranh chấp ngồi lại bàn bạc, thống nhất, tháo gỡ các vướng mắc. Việc thương lượng dựa trên sự tận tâm thiện chí của các bên mà không có sự xuất hiện của bên thứ ba.

Hòa giải: Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải nhằm hỗ trợ các bên tìm ra giải pháp để loại bỏ tranh chấp. Đây là phương thức mang tính công bằng, tuy nhiên phương pháp này tồn tại một số nhược điểm như có sự xuất hiện của bên thứ ba nên không bảo đảm được bí mật, khả năng thực thi phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên.  

Trọng tài thương mại: Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận, các bên lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết. Việc giải quyết được tiến hành theo Luật trọng tài thương mại 2010. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với ưu điểm là giải quyết nhanh chóng, thủ tục linh hoạt, giải quyết không công khai và xét xử một lần…

Tòa án: Khi xảy ra tranh chấp, các bên không thể thương lượng, hòa giải được thì một trong các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể, tranh chấp hợp đồng đặt cọc có thể được xác định là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh thương mại. Việc giải quyết tranh chấp tại tòa án sẽ đảm bảo được tính thực thi do sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền, song nó cũng tồn tại nhược điểm là không đảm bảo được tính bí mật, mất chi phí và thời gian.

4. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc của Tòa án

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ khởi kiện

Người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Phương thức nộp đơn khởi kiện được quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bao gồm: nộp trực tiếp tại Tòa án; gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; gửi trực tiếp bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Bước 2: Tòa án xem xét đơn khởi kiện

Căn cứ khoản 2, 3 Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về xử lý đơn khởi kiện như sau:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: yêu cầu, sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án; chuyển đơn khởi kện cho Tòa án có thẩm quyền; trả lại đơn nếu không thuộc thẩm quyền...

Bước 3: Thụ lý vụ án

Căn cứ Điều 195, Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thụ lý vụ án như sau:

Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết. Đương sự đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong vòng 7 ngày tại Chi cục thi hành án dân sự.

Thẩm phán phải gửi thông báo bằng văn bản cho các đương sự biết về việc giải quyết vụ án. Thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với tranh chấp hợp đồng đặt cọc theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là 4 tháng, có thể gia hạn thêm 2 tháng.

Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với tranh chấp hợp đồng đặt cọc theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là 2 tháng, có thể gia hạn thêm 1 tháng.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử sở thẩm, Tòa án sẽ tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Nếu các bên đương sư thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành.

Bước 5: Mở phiên toà xét xử sơ thẩm

Trong vòng 15 ngày kể từ khi có bản án sơ thẩm, nếu các bên đương sự không kháng cáo thì bản án có hiệu lực.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn