Lại Thị Nhật Lệ

Giải quyết bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự thế nào?

Khi mà đời sống xã hội ngày càng tăng cao, mức sống cũng như thu nhập đầu người tăng thì việc tìm đến những loại hình bảo hiểm nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro trong cuộc sống ngày càng được quan tâm hơn. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự được định nghĩa là loại hình bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của cá nhân hoặc tổ chức đối với bên thứ ba khi xảy ra rủi ro. Trong đó, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm sẽ là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm với người thứ ba. Vậy chúng ta có thể hiểu về nguyên tắc bồi thường khi tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự được xác định ra sao?

Câu hỏi tư vấn:

Tôi xin hỏi một vấn đề liên quan đến giải quyết bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, cụ thể như sau:

 - Xe ô tô A tham gia bảo hiểm TNDS bắt buộc của Công ty V, xe ô tô B tham gia bảo hiểm TNDS bắt buộc của công ty P. Vào ngày 15/01/202x hai xe ô tô xảy ra tai nạn đâm va với nhau dẫn tới hư hỏng cho cả hai phương tiện, vụ tai nạn được CQCA giải quyết và kết luận lỗi trong vụ tai nạn trên là lỗi hỗn hợp ( lỗi do cả hai xe ô tô A và B). Trong biên bản giải quyết tai nạn giao thông có ghi nhận thỏa thuận dân sự của các bên liên quan như sau: Các bên liên quan bên nào bên đó tự khắc phục thiệt hại do vụ tai nạn giao thông gây ra, không bên nào yêu cầu ai bồi thường gì.

- Theo Điểm 3.b Điều 13 của Thông tư 22/2016/TT-BTC: Mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản/1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm. Như vậy có thể hiểu nếu giải quyết bồi thường TNDS bắt buộc của xe A thì sẽ là: ( Thiệt hại xe B x Mức độ lỗi của xe A ) = Số tiền bồi thường, và giải quyết ngược lại đối với xe B.

- Theo Điểm 1 Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm: Điều 53. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm 1. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm. Theo Biên bản giải quyết tai nạn của CQCA đã lập, các bên liên quan không bên nào yêu cầu ai bồi thường gì. Vậy theo Điều 53 Luật KDBH thì không phát sinh trách nhiệm của DNBH. Vậy tôi xin hỏi là về phía DNBH, cụ thể trong trường hợp tôi vừa nêu trên thì DNBH có phải giải quyết bồi thường TNDS bắt buộc cho các chủ xe ô tô A,B hay không ? Trong trường hợp chủ xe A,B có khiếu nại yêu cầu DNBH giải quyết bồi thường TNDS bắt buộc thì ta sẽ giải quyết thế nào ? Trân trọng cám ơn !

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra yêu cầu tư vấn như sau:

Về nguyên tắc bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự và mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự

Theo quy định Điều 4 và Điều 5 Thông tư 04/2021/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với chủ xe cơ giới thì mức trách nhiệm bảo hiểm được xác đinh như sau:

Điều 4. Mức trách nhiệm bảo hiểm

1. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là một trăm năm mươi (150) triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.

2. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản:

a) Do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là năm mươi (50) triệu đồng trong một vụ tai nạn.

b) Do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe máy chuyên dùng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là một trăm (100) triệu đồng trong một vụ tai nạn.”

Điều 5. Phạm vi bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.

2. Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra.”

Vì vậy, mức trách nhiệm bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra hoặc thiệt hại về tài sản đối với bên thứ ba.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi chủ xe cơ giới gây thiệt hại

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 53 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi, bổ sung 2010

Điều 53. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm.

2. Người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Vậy trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chỉ phát sinh khi người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra và người thứ ba không có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường. Nghĩa là doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trong trường hợp này, nếu các bên đã thỏa thuận về việc các bên tự khắc phục hậu quả thiệt hại và không ai yêu cầu bồi thường gì cả thì sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm và bên doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo