LS Vy Huyền

Giải đáp thắc mắc về bồi thường do gây tai nạn giao thông

Em có một số vấn đề thắc mắc liên quan tới vụ việc tai nạn giao thông rất mong được Anh/ Chị tư vấn giùm với ạ. Sự việc xảy ra vào hôm sáng 28/1/2016 vào lúc khoảng 3h sáng em trai em sau khi chở bạn ra bến xe về quê và quay trở về chỗ ở thì bị một xe tải chạy ngược chiều tông phải nên đã tử vong.


Do thời gian xảy ra vào lúc khuya nên lúc đó không có ai trong thấy và làm chứng trong vụ tai nạn này. Phía bên công an vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc này. Em có thắc mắc muốn được sự tư vấn của anh chị như sau:
-Theo em được biết trường hợp tai nạn xảy ra lúc khoảng 3h đến 3h30 sáng (công an lập biên bản lúc 4h30 sáng) lúc xảy ra tai nạn em trai em vẫn chưa tử vong, mãi tới gần 6h sang mới tử vong (theo lời khai của người trực tiếp đưa em em vào bệnh viện). Phía công an và nhà xe lại để em em nằm cho đến chết. Trường hợp này bên gia đình em có quyền truy cứu hay không? 
- Lái xe và nhà xe có phải chịu trách nhiệm bồi thường không? Và ngoài khoản bồi thường về chi phí đám tang thì phía bên nhà xe có phải bồi thường về tổn thất tinh thần cho gia đình không? Em gửi những thắc mắc này rất mong được anh chị hỗ trợ tư vấn giùm em với ak.

Em xin cảm ơn nhiều, rất mong nhận được hồi đáp!


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Thứ nhất, gia đình bạn có thể yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự không?
 
Bạn có nói tai nạn thực tế xảy ra lúc khoảng 3h đến 3h30 sáng (công an lập biên bản lúc 4h30 sáng) lúc xảy ra tai nạn em trai em vẫn chưa tử vong, theo lời khai của người trực tiếp đưa em trai bạn vào bệnh viện thì em trai bạn gần 6h sáng mới tử vong, phía công an và nhà xe đã không đưa em bạn đi cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, bạn phải có bằng chứng như kết quả giám định của cơ sở y tế xác định thời điểm em trai chết thì gia đình bạn mới có thể yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan điều tra và bên nhà xe theo khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009:
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
 
c, Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

 

Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự thì cần phải xem xét có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà hành vi vi phạm đó phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả thì việc cố ý không cứu giúp người bị tai nạn khi có điều kiện sẽ bị truy cứu theo Khoản 2 Điều 202 BLHS.

 

Và Điểm a Khoản 1 Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016):

 

“Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

 

 

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

 

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;”


Thứ hai, gia đình bạn sẽ được những khoản bồi thường sau khi có kết luận giám định của cơ quan công an.
 

Trường hợp tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của lái xe (lái xe quá tốc độ, sai làn đường quy định, ...)

Theo điều 610 Bộ luật dân sự 2005 thì bên lái xe phải bồi thường như sau:
 
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm những khoản phí sau: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...
 
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng gồm những đối tượng sau theo điểm b tiểu mục 2.3 mục 2 Phần II Nghị quyết 03/2006/NĐ-HĐTP: :
 
+) Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
 
+) Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
 
+) Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
 

 
Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.

- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Trường hợp khi xảy ra tai nạn người bị thiệt hại có lỗi:

Theo điều 617 BLDS 2005 quy định: Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.

Như vậy, nếu em trai bạn cũng có lỗi trong việc xảy ra tai nạn (chạy quá tốc độ, sai làn đường) thì bên lái xe chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Trường hợp em trai bạn hoàn toàn có lỗi thì bên nhà xe sẽ không phải bồi thường.

Trường hợp tai nạn xảy ra do nguồn nguy hiểm cao độ (xe hỏng phanh, nổ lốp xe gây mất lái, ...)

Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi (trừ trường hợp em trai bạn cố ý gây tai nạn hoặc trong tình thế bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết) theo khoản 3 điều 623 BLDS 2005: 

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
 

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
 

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo mục 1 Phần III Nghị quyết 03/2006/NĐ-HĐTP thì xe tải được cho là nguồn nguy hiểm cao độ. Như vậy họ phải bồi thường  theo điều 610 BLDS 2005. Các khoản bồi thường được quy định như trên.
 
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải đáp thắc mắc về bồi thường do gây tai nạn giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Cv Thu Huyền - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo