Luật sư Việt Dũng

Gây tai nạn giao thông phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Luật sư giải đáp thắc mắc về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông theo pháp luật hiện hành. Nội dung tư vấn như sau:

 

 Cách đây 3 tháng Ba e có đi chợ bằng xe máy( đầy đủ giấy tờ xe, bảo hiểm xe máy,GPLX, không say,) trên đường về xảy ra qua vẹt vơi một cụ bà 90 tuổi di bộ cùng chiều, nhung bất ngờ cụ qua sang đường đột ngột làm ba em không xử lí kịp, có quẹt nhẹ bà, ( ba e chạy rất châm). sau đó nhà em đưa bà vào viện, bà bị hoảng và tăng huyết áp rồi mất, Sau khi chuyện dã rồi, nhà e có tới thăm hỏi, phụ ma chay và đền bù theo yêu cầu của nhà nạn nhân, họ đã kí giấy bãi nại, Nhung bên Công an và bên viện kiểm sat thì vẫn còn rắc rối, họ nói đủ lí do phạt tiền lên đến 40 triệu không thì đưa ra tòa bỏ tù, Thật ra nhà em toàn bộ làm nông không hiểu luật, vậy em nhờ anh chị tư vấn giúp em, trường hợp của nhà e như vậy nếu ra tòa thì phạt bao nhiêu, và có bị tù không và bao nhiêu năm, mong anh chị giúp đỡ, em chân thành cảm ơn .

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, để xác định có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không sẽ xem xét hành vi gây tai nạn có đáp ứng các cấu thành của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 hay không, tại điều luật này quy định như sau:

 

 Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 


"1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 



a) Làm chết người; 



b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 



c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; 



d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 

...."

 

Như vây nếu trường hợp bạn vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về sức khỏe cho người kia thì khi này mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Để xem xét có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cũng còn căn cứ vào tỷ lệ thương tật là bao nhiêu phần trăm, thiệt hại gây ra cho tài sản có giá trị bao nhiêu để xác định mức độ thiệt hại nghiêm trọng để xác định khung hình phạt. Nếu bố bạn không vi phạm (lỗi hoàn toàn do người bị hại) bất kỳ quy định nào là nguyên nhân dẫn đến tai nạn gây hậu quả chết người thì bố bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh nói trên. 

 

Phía công an và viện kiểm sát có đưa ra yêu cầu nộp 40 triệu bạn cần làm rõ đây là khoản tiền gì? căn cứ thu là gì? Trường hợp có căn cứ để nộp như do lỗi vi phạm quy định an toàn giao thông theo luật an toàn giao thông đường bộ và có căn cứ theo nghị định xử phạt hành chính thì ba bạn phải thực hiện việc nộp phạt. Tuy nhiên mức nộp phạt giao động từ 2 triệu đến 3 triệu đồng (khoản 7 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ). Do đó, mức xử phạt hành chính 40 triệu mà phái Cơ quan công an đưa ra là không có cơ sở. 

 

Thứ hai, trách nhiệm bồi thường dân sự cũng sẽ đặt ra do ba bạn có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác.

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015:

 

"1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác."

 …

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Như vậy khi này các bên sẽ thỏa thuận các khoản bồi thường dựa trên mức độ lỗi của từng bên. Theo thông tin cung cấp thì “bất ngờ cụ qua sang đường đột ngột làm ba không xử lí kịp” tức lỗi ở đây cũng không phải hoàn toàn do ba bạn, nếu cả hai bên cùng có lỗi thì ba bạn chỉ bồi thường trong phần lỗi của mình. Đồng thời theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại nếu như mức bồi thường quá lớn so với khả năng của gia đình bạn thì có thể  được giảm mức bồi thường “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Tuyền  - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo