Đứng tên trên hợp đồng vay hộ người khác thì giải quyết như thế nào?
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Gia chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, theo thông tin của bạn thì bạn là người đứng tên trên hợp đồng vay nợ. Vì thế về mặt pháp lý bạn là bên vay trong hợp đồng vay tài sản. Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”
Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Khi đến hạn trả tiền vay bạn vẫn phải có nghĩa vụ trả cho chủ nợ. Nếu bên cho vay khởi kiện ra Tòa án thì bạn được xác định là bị đơn trong vụ án đó. Sau khi trả tiền cho chủ nợ thì bạn có quyền yêu cầu N phải trả khoản vay đó cho bạn. Nếu N vẫn không trả lại cho bạn thì bạn cũng có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu N trả nợ cho mình. Nếu có khả năng trả nợ nhưng N cố tình không trả hoặc N bỏ trốn để chiếm đoạt khoản tiền bạn cho vay hoặc dùng khoản tiền để vi phạm pháp luật dẫn đến không trả được số tiền (từ 4 000 000 trở lên thì hành vi của N có thể cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Như vậy bạn có thể đem đoạn băng ghi âm làm bằng chứng để chứng minh N nhờ mình vay tiền để khởi kiện yêu cầu N trả tiền hoặc tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của N tới cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
Trân trọng
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất