Đơn phương ly hôn, chồng vắng mặt có xét xử được không?

Nội dung yêu cầu tư vấn: Em gái tôi muốn đơn phương ly hôn chồng và tòa án đã gửi thư kêu chồng và vợ cùng lên nhưng người chồng không lên đã 2 lần rồi, vậy nếu như kêu lên lần thứ 3 mà người chồng không lên thì đơn khởi kiện đơn phương ly hôn của em gái tôi có được xử theo vắng mặt không ?


Vì tôi thấy lần đầu tiên em tôi gửi đơn lên tòa án nhân dân quận 8 cũng mời lên 3 lần rồi người chồng không lên đúng 3 lần bên đó yêu cầu em tôi rút đơn kiện. Và em tôi mới gửi lại đơn cuối tháng 9 năm nay và mời 2 lần, nếu như lặp lại trường hợp như lần đầu tiên thì phải làm sao? Xin luật sư tư vấn giùm tôi xin cám ơn nhiều. Mong hồi âm của luật sư

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:


Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011, quy định như sau:

 

Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

 

“2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

 

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

 

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

 

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;…”

 

Như vậy, nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà chồng em gái bạn, vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt trừ trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, ví dụ như xảy ra động đất, bão lũ dẫn đến bị đơn không thể đến theo sự triệu tập của Tòa án. Trường hợp Tòa án không xét xử vắng mặt mà trả lại đơn khi không có căn cứ thì em gái bạn có thể khiếu nại đến Tòa án để được giải quyết. Bạn có thể tham khảo quy định về sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

 

"...Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

 

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đơn phương ly hôn, chồng vắng mặt có xét xử được không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật Gia: Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169