Cà Thị Phương

Tư vấn về việc tặng cho tài sản là di sản thừa kế

Luật sư tư vấn về điều kiện để tặng cho tài sản là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:

 

Nội dung tư vấn: Kính thưa công ty luật Minh Gia tôi có vấn đề thắc mắc và xin được công ty tư vấn giúp tôi trong trường hợp sau : tôi xin cảm ơn !Bố , Mẹ chúng tôi sinh ra 4 người con đã tách khẩu ở riêng từ trước năm 2013 đến đầu năm 2014 bố tôi mất mà không để di chúc lại...số tài sản đó là do bố mẹ tôi lao động sản xuất mà có nhưng trước kia sổ đỏ (giấy phép quyền sử dụng đất) thường vẫn đứng tên 1 người chủ hộ trong gia đình (sổ đỏ đó đứng tên bố tôi) mẹ tôi muốn chia 1 phần đất và tài sản trên đất cho em tôi nhưng người em trai dưới tôi không đồng ý và không ký nên việc chia không thành vẫn còn vướng mắc...tôi muốn hỏi trong trường hợp này tài sản là do bố, mẹ tôi làm nên hợp pháp các con không có công sức nào trong đó...theo như các cơ quan phường xã giải thích tất cả các con phải đồng ý ký tên thì mới hợp pháp...chẳng lẽ mẹ tôi không có quyền quyết định cho, bán , tặng....tài sản tự tay làm ra lại không có quyền quyết định toàn bộ phải phụ thuộc vào các con sao? Trường hợp em dưới tôi không đồng ý và ký tên thì không thể giải quyết được sao? xin công ty luật Minh Gia trả lời cho tôi được hiểu thấu đáo việc này và cho hướng giải quyết  đúng nhất ?


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của gia đình bạn chúng tôi tư vấn như sau:


Tại Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:


“Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết
 

1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
 

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
 

3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
 

4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.


Theo quy định trên, nếu mẹ bạn có căn cứ chứng minh đó là tài sản chung của bố mẹ bạn trong thời kỳ hôn nhân thì mẹ bạn sẽ được hưởng một nửa phần đất và tài sản gắn liền với đất đó. 


Về việc mẹ bạn muốn chia một phần đất và tài sản gắn liền với đất cho em trai của bạn thì có hai trường hợp:


Trường hợp thứ nhất: mẹ bạn cho em trai bạn phần đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phần tài sản của mẹ bạn có được do việc chia di sản là tài sản chung của bố mẹ bạn. Với việc cho phần đất và phần tài sản gắn liền với đất này thì mẹ bạn không cần phải nhận được sự đồng ý của anh em bạn.


Trường hợp thứ hai, mẹ bạn cho em trai bạn phần đất và tài sản gắn liền với đất thuộc di sản của bố bạn. Theo điểm a, khoản 1 Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 thì “Hàng thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

 

Như vậy, muốn sang tên cho em bạn thì việc cần có văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế giữa anh em bạn là hoàn toàn có căn cứ pháp lý.

 

Tuy nhiên, nếu em trai dưới bạn thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 621 BLDS 2015 thì mẹ và các anh em bạn có thể sang tên cho em trai bạn mà không cần sự đồng ý của người em đó. 


“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
 

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
 

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
 

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
 

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
 

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo