Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Làm căn cước công dân ở đâu? Điều kiện làm CCCD thế nào?

Giấy khai sinh và căn cước công dân là những giấy tờ chứng minh nhân thân của một cá nhân, đây là những loại giấy tờ gần như “bất ly thân” khi cá nhân tham gia bất cứ quy trình thủ tục hành chính nào tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp công dân vì một lý do nào đó mà đến hiện nay vẫn chưa có căn cước công dân hoặc quy trình thực hiện cấp căn cước công dân gặp vấn đề. Vậy trong những trường hợp này cá nhân cần lưu ý những vấn đề gì để quyền lợi của mình được bảo đảm.

Câu hỏi tư vấn: Xin chào luật sư tôi tên H, cho tôi hỏi về làm căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân như sau: Lúc nhỏ tôi được đem vào trại trẻ mồ côi tới năm 11 tuổi tôi trốn trại cùng bạn nên không biết là sẽ bị xóa tên khỏi trại, tôi đã đi rất nhiều nơi kiếm sống nhưng không đăng kí tạm trú ở đâu cả. Khi lớn lên tôi trở về thì được đưa giấy khai sinh bản sao và giấy xác nhận đã từng sống ở trại trẻ vì bản chính đã bị mất.

Cho đến năm 201x tôi lấy vợ và được bên xã du di làm cho giấy kết hôn và được bố mẹ vợ bão lãnh cho nhập tên vào hộ khẩu nhưng công an xã không đồng ý và yêu cầu tôi đi đến những nơi tôi từng sống xin xác nhận có tạm trú như thế chẳng khác nào bảo tôi bỏ cuộc vì trước đây tôi không có giấy tờ thì làm sao đăng kí tạm trú được mà xin. Tôi muốn hỏi luật sư với tình trạng của tôi có cách nào để làm cmnd hoặc căn cước công dân được không? Chỉ có khai sinh có thể đăng kí tạm trú được không? Chân thành cảm ơn luật sư rất nhiều.

Trả lời câu hỏi tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện để cá nhân được cấp căn cước công dân

Theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về những người được cấp thẻ căn cước công dân và số thẻ căn cước công dân

Điều 19. Người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân

1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.

2. Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.

Điều kiện để cá nhân được cấp thẻ căn cước công dân là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp mới chỉ giải quyết cho các trường hợp đổi từ chứng minh thư nhân dân 9 số hoặc cấp lại do mất, hỏng,...Nghĩa là sẽ chỉ giải quyết cấp căn cước công dân cho những đối tượng đã có nơi đăng ký thường trú. Còn trường hợp bạn là trẻ mồ côi không xác định được nhân thân mà chỉ có giấy khai sinh bản sao thì cần phải xác định lại nơi cư trú để làm căn cứ cấp căn cước công dân.

Thứ hai về điều kiện xác định nơi cư trú trong trường hợp cá nhân không có nơi thường trú, nơi tạm trú

Khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú 2020 có quy định về xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú như sau:

Điều 19. Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú

“1. Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống, Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

...”

Trong trường hợp này nơi cư trú của bạn được xác định là nơi bạn đang sống. Bạn sẽ phải thực hiện khai báo thông tin cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại. Khi đó, bạn có thể làm căn cước công dân tại nơi mà hiện tại bạn cư trú là chỗ ở hiện tại của mình.

Thứ ba, về điều kiện thực hiện thủ tục đăng ký thường trú

Theo quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020 thì điều kiện đăng ký thường trú

Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú

“1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

…”

Như vậy, trường hợp bạn muốn nhập hộ khẩu vào gia đình vợ bạn thì phải có văn bản đồng ý của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp. Ngoài ra, trong trường hợp này bạn có thể làm thủ tục đăng ký thường trú trước để xác định nơi thường trú của mình để làm căn cứ cấp căn cước công dân.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo