Phạm Diệu

Di sản thừa kế được chia như thế nào sau khi ba mất?

Luật sư tư vấn về trường hợp phân chia di sản thừa kế sau khi ba mất. Nội dung tư vấn như sau:

 

Chào luật sư,Nhờ luật sư phân chia tài sản giúp gia đình tôi. Cụ thể như sau:Gia đình tôi (cha đã mất) có 8 anh em, 4 trai, 4 gái (1 người đã mất). Anh em đã lập gia đình và đã cắt hộ khẩu riêng. Còn ng trai út đang ở với mẹ.Gia đình tôi có miếng đất trồng dừa thời hạn 50 năm khoảng 1ha (tài sản của ba mẹ).Nay người em trai út ko sài nữa nên bán.Luật sư cho tôi hỏi như vậy sau khi bán xong những anh em còn lại trong gia đình theo luật pháp có được chia phần không, và được phân chia như thế nào, và luật sư có thể giúp gia đình tôi phân chia để anh em có  đúng số tiền theo luât đc không, vì khi bán đất yêu cầu phải có đầy đủ chử ký của anh em trong gia đình mới bán được, nhưng bán xong người trai út lại không phân chia cho anh em trong gia đình mà lấy làm tài sản riêng.Rất mong được sự giải đáp của luật sư, và nếu theo luật anh em có phần, rất mong được sự giúp đỡ của luật sư để lấy lại công bằng cho anh em trong nhà.Chân thành cảm ơn luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cho biết, gia đình bạn có 8 anh chị em, 4 trai và 4 gái (một người đã mất). Tài sản của cha mẹ bạn là phần đất trồng dừa có diện tích 1ha sử dụng với thời hạn 50 năm. Hiện tại, cha bạn đã mất. Tuy nhiên, thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng, khi ba mất có để lại di chúc hay không? Do đó, chúng tôi chia thành các trường hợp như sau:

 

Trường hợp 1: Ba mất có để lại di chúc

 

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, phần đất trồng dừa có diện tích 1ha là tài sản chung của ba mẹ bạn. Theo đó, mỗi người sẽ được ½ phần đất đó.

 

Trường hợp ba bạn mất có để lại di chúc định đoạt phần tài sản của ba thì việc phân chia di sản thừa kế sau khi ba mất sẽ được thực hiện theo nội dung của di chúc.

 

Trường hợp 2: Ba mất không để lại di chúc

 

Trường hợp ba bạn mất không để lại di chúc thì phần tài sản của ba sau khi ba mất sẽ trở thành di sản thừa kế và sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm: 

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

…”.

 

Căn cứ quy định nêu trên, phần đất 1ha của gia đình bạn sẽ được chia như sau: ½ phần đất sẽ thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn; ½ phần đất còn lại sẽ được chia đều thành 9 phần cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: mẹ bạn và các con.

 

Tuy nhiên, theo như bạn cho biết thì trong 8 người con có 1 người con đã mất. Theo đó, phần di sản thừa kế được hưởng của người con này sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 về thừa kế thế vị như sau:

 

“Điều 652. Thừa kế thế vị

 

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

 

Như vậy, trong trường hợp này, để bán được phần đất trên thì phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình (những người được hưởng thừa kế). Hiện tại, các thành viên trong gia đình đã đồng ý ký để bán phần đất đó. Cậu út là người đứng ra bán đất, theo đó số tiền bán đất sẽ trở thành di sản thừa kế và sẽ được chia theo pháp luật theo tỉ lệ như trên. Tuy nhiên, sau khi bán cậu út không chia lại số tiền bán đất cho các đồng thừa kế còn lại mà giữ làm tài sản riêng. Do đó, trong trường hợp này, nếu gia đình không tự thỏa thuận được về việc phân chia số tiền bán được thì có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận (huyện) yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo