LS Vy Huyền

Đât đang có tranh chấp thì có chia thừa kế được không?

Luật sư tư vấn đối với trường hợp đất được ông để lại di chúc nhưng đang có tranh chấp thì phải làm thế nào? Nội dung tư vấn như sau:

 

Câu hỏi: Cho tôi hỏi , nhà tôi có 1 thửa đất là 1900m vuông do ông nội tôi đứng tên vì bà nội tôi mất chứ đất trước kia là của ba bà nội tôi để lại cho bà nội , ba tôi thì thời gian đó thần kinh không ổn định . Thì có 1 người cháu gì đó của bà nội tôi lại xin chia miếng đất đó , không biết sao ông nội tôi  lại ký giấy tặng cho họ 800m vuông , mẹ tôi không đồng ý nên có làm đơn ngăn chặn lại và vụ việc đó kéo dài tới bây giờ là năm 2017 , vụ việc xãy ra lúc 2007 . bây giờ ông nội tôi đã mất thì có để lại di chúc cho tôi , nhưng khi tôi làm giấy nhận thừa kế thì bị xãy ra ở tranh chấp vụ lúc 2007 , và họ là đơn để muốn lấy số đất 800m vuông lúc trước ông nội tôi lỡ ký mà bị mẹ tôi ngăn chặn . vậy nếu ra toà thì tôi có thể thắng thua như thế nào. miếng đất đó ông nội tôi chỉ đứng tên trên danh nghĩa còn mấy chục năm qua cho có cha tôi và mẹ tôi canh đất sinh sống trên đó , ông nội tôi cũng không sống ở miếng đất đó rất lâu và ông nội tôi ký giấy tặng như thế có đúng pháp luật khi không có sự đồng ý của mẹ tôi khi đó ( lúc đó cha tôi đang bị thần kinh cũng bị họ dụ ký trên giấy tay nhưng chữ ký không rõ ràng ) , cha tôi cũng đã mất năm 2009 . Nếu sự việc đó ra toà mà tôi thua , thì tôi có quyền làm giấy khiếu nạn lại trên hình thức người thừa kế trên di chúc không , Mong luật sư giải đáp cho tôi.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì phần đất mà ông nội bạn đang đứng tên là do bố của bà nội tặng cho bà. Tuy nhiên, bạn chưa trình bày rõ tại thời điểm tặng cho đất bố của bà nội tặng đất cho cả ông và bà nội hay là tặng cho riêng bà nội bạn, việc tặng cho có được ghi nhận bằng văn bản hay không? Do đó, vấn đề của bạn chúng tôi xin được chia làm hai trường hợp:

 

+  Nếu bố của bà bạn chỉ tặng phần đất này cho bà nội thì chỉ có bà nội bạn có quyền sở hữu đối với phần đất này. Sau khi bà mất phần đất này sẽ được coi là di sản thừa kế và được chia theo quy định của pháp luật (nếu bà nội không để lại di chúc). Theo đó, phần đất này sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bố, mẹ của bà nội (nếu còn sống), chồng (ông nội bạn) và các con của ông bà (căn cứ theo điều 651 Bộ luật dân sự 2015). Cụ thể:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

 Trong trường hợp sau khi bà mất mà ông bạn tặng đất cho người cháu mà chưa được sự đồng ý của những người thừa kế còn lại thì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó không có hiệu lực pháp luật.  Nếu sau khi ông mất để lại di chúc cho bạn thì ông chỉ được phép để lại di chúc đối với phần đất mà ông được hưởng.

 

+ Nếu bố của bà bạn tặng cho đất cho ông, bà bạn thì phần đất này được coi là tài sản chung của ông bà trong thời kỳ hôn nhân, về nguyên tắc ông bà có quyền sở hữu ngang nhau đối với phần đất này (800/1900 m2). Sau khi bà mất thì 800m2 đất thuộc sở hữu của bà sẽ được chia theo pháp luật (nếu không có di chúc), theo đó, những người được hưởng phần di sản này bao gồm: bố, mẹ của bà (nếu còn sống), chồng và các con mỗi người được hưởng 1 phần bằng nhau. Trong trường hợp ông bạn tặng cho cháu 800m2 phần đất thuộc sở hữu của ông và việc tặng cho được ghi nhận bằng văn bản thì hợp đồng tặng cho này được coi là hợp pháp. Tại thời điểm tặng cho không yêu cầu có sự đồng ý của những người thừa kế khác. Do đó, việc người cháu được tặng cho đất yêu cầu lấy lại phần đất được tặng cho là có căn cứ.  Sau khi ông nội bạn mất mà có để lại di chúc cho bạn thì ông chỉ được phép để lại di chúc đối với phần đất còn lại của ông được hưởng từ thừa kế của bà bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn