Hoài Nam

Đá gà ăn tiền có vi phạm pháp luật không? Bị xử lý thế nào?

Chọi gà là một trò chơi dân gian từ lâu đời của người Việt Nam. Hiện nay có nhiều trường hợp người chơi chọi gà có hành vi cá cược thắng thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị. Vậy đá gà ăn tiền có vi phạm pháp luật không?

1. Đá gà ăn tiền là gì?

Chọi gà (đá gà) từ lâu đã trở thành một thú chơi tao nhã của người Việt với ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ, khuyến khích phát triển chăn nuôi. Ở một số địa phương, chọi gà được coi là một trò chơi dân gian được lưu giữ và khôi phục tại nhiều lễ hội truyền thống, góp phần tạo không khí vui tươi, hứng khởi, gắn kết cộng đồng.

Ngày nay, chọi gà đã bị một số người biến tướng trở thành một hình thức cá cược nhằm mục đích kiếm tiền, thường gọi là đá gà ăn tiền.

2. Đá gà ăn tiền có vi phạm pháp luật không?

Theo tinh thần tại Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về tội đánh bạc (hiện nay đã hết hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản thay thế) thì đánh bạc trái phép được hiểu là “hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp”.

Theo quy định trên, không phải tất cả các hình thức cá cược được thua bằng tiền đều vi phạm pháp luật, ví dụ như chơi casino, sổ xổ, lô tô…là những trò chơi được Nhà nước cho phép nên người chơi không vi phạm. Những hình thức đánh bạc không được Nhà nước cho phép như cá độ bóng đá, đá gà ăn tiền, chơi số đề, chơi bài tây, xóc đĩa…được coi là đánh bạc trái phép và người chơi sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý khi bị phát hiện.

Như vậy, đá gà ăn tiền là một hình thức đánh bạc trái phép với mục đích được thua bằng tiền. Người chơi đá gà ăn tiền là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

3. Đá gà ăn tiền bị xử phạt như thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà người thực hiện hành vi đá gà ăn tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, quy định về xử lý hình sự hành vi đá gà ăn tiền

Căn cứ quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội đánh bạc như sau:

“Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm….”

Theo quy định trên, người chơi đá gà ăn tiền được thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 5.000.000đ trở lên thì có thể bị lý hình sự về Tội đánh bạc. Khi xác định số tiền của người chơi đá gà ăn tiền cần chia thành 02 trường hợp. Trường hợp một, người chơi đá gà ăn tiền thắng cược thì số tiền họ dùng để đánh bạc là tổng số tiền họ đã bỏ ra để đặt cược cộng với số tiền thực tế mà họ nhận được từ bên thua hoặc chủ cá độ. Trường hợp hai, người chơi đá gà ăn tiền không thắng cược hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả trận đấu thì số tiền mà họ đã dùng để đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để đặt cược.

Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính hành vi đá gà ăn tiền

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính hành vi đánh bạc trái phép như sau:

“Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép

…2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác”

Theo quy định trên, người nào thực hiện hành vi đá gà ăn tiền mà chưa thỏa mãn các yếu tố cầu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc trái phép với mức phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo