Công ty chi trả trợ cấp thôi việc khi không đóng bảo hiểm thất nghiệp
Mục lục bài viết
1.Trợ cấp thôi việc
Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người lao động được hưởng khi đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
2. Câu hỏi tư vấn:
Nội dung yêu cầu tư vấn: Em bắt đầu làm ở Cơ quan A ( đơn vị sự nghiệp ) từ tháng 11/2019 đến tháng 8/2021 có đóng BHTN ( đã lãnh BHTN, không lãnh trợ cấp thôi việc ), đến tháng 9/2021 thì chuyển qua Cơ quan B ( đơn vị sự nghiệp) nhưng không có đóng BHTN tháng 10/2022 em viết đơn xin nghĩ việc ở Cơ quan B, Cơ quan B trả trợ cấp thôi việc cho em thời gian làm việc ở Cơ quan B. Xin hỏi Luật sư Cơ quan B trả trợ cấp thôi việc như vậy có đúng quy định không mong luật sư tư vấn. Em xin cán ơn và rất mong được sự giúp đỡ.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Điều 46 Bộ luật lao động 2019 được hướng dẫn bởi khoản 3 đến khoản 6 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trợ cấp thôi việc như sau: “1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động, trừ các trường hợp sau:
a) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội;
b) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Bộ luật Lao động.”
Như vậy, công ty B có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn khi nghỉ việc. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc như sau:
“3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
a) Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động.
b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
…”
Như vậy, tại thời điểm làm việc ở công ty B bạn không tham gia bảo hiểm thất nghiệp, do vậy khi bạn nghỉ việc, công ty B thực hiện việc chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn như vậy là phù hợp.
Trân trọng!
Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất