Nguyễn Nhàn

Công an xã chính quy là gì? Chức năng, nhiệm vụ công an xã phường?

Lực lượng công an ở cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là công an xã) là một trong những lực lượng gần gũi nhất với nhân dân địa phương; giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nắm bắt tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội của cấp cơ sở. Vì vậy, lực lượng này ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm theo hướng xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đất tranh phòng, chống tội phạm. Để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngày 31 tháng 3 năm 2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2021/NĐ-CP về xây dựng công an xã, thị trấn chính quy. Và để hiểu thêm về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an xã, quý khách có thể tham khảo bài viết sau đây của Công ty Luật Minh Gia:

1. Công an xã chính quy là gì

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 42/2021/NĐ-CP quy định: Công an xã chính quy là Công an cấp cơ sở, bố trí ở các đơn vị hành chính xã, thị trấn, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, thị trấn.”

Thực tế trước khi Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ban hành, nước ta đã bố trí lực lượng công an xã bán chuyên trách trong một thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, ngày càng phát sinh các quan hệ xã hội mới, các thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và đòi hỏi lực lượng vũ trang tại địa phương, nhất là lực lượng công an nhân dân cấp xã phải được đào tạo chính quy, tinh nhuệ, được trang bị đầy đủ phương tiện, cơ sở vật chất để đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh ở địa phương. Vì vậy, việc bố trí lực lượng công an xã chính quy tại cấp cơ sở là điều cần thiết và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện đại.

2. Chức năng của công an xã

Xuất phát từ các chức năng chung của lực lượng Công an nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, lực lượng công an xã có các chức năng cụ thể như sau:

- Tham mưu cho cấp ủy Đảng, UBND cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã;

- Thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm vụ của công an xã

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh Công an xã năm 2008 quy định lực lượng công an xã có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Nắm rõ tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn để từ đó đề xuất với chính quyền địa phương cùng cấp và cơ quan quản lý cấp trên về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp đó một các hợp lý, hiệu quả tại địa phương.

- Làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo thẩm quyền.

- Tham mưu cho UBND cấp xã và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, giáo dục các đối tượng phải chấp hành hình phạt quản chế, cải tạo không giam giữ, người bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo cư trú trên địa bàn xã; quản lý người được đặc xã, người sau cai nghiện ma túy và người chấp hành xong hình phạt tù thuộc diện phải tiếp tục quản lý theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức và lực lượng khác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã.

- Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.

- Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an; cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý vụ việc.

- Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp.

- Xử phạt vi phạm hành chính; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.

- Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin và thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Trong trường hợp cấp thiết, để cấp cứu người bị nạn, cứu hộ, cứu nạn, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm, được huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân và phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống chấm dứt và báo cáo ngay với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Trường hợp có thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước.

- Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và thực hiện một số biện pháp công tác công an theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an để bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

- Tham gia thực hiện công tác tuyển sinh, tuyển dụng vào lực lượng vũ trang nhân dân; luyện tập, diễn tập thực hiện các phương án quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố nghiêm trọng khác.-

- Xây dựng lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh về chính trị, tổ chức và nghiệp vụ.

Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, để đảm bảo công tác phòng, chống tội phạm diễn ra nhanh chóng, pháp luật tố tụng hình sự quy định: Lực lượng công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển giao ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Điều này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm điều kiện thuận tiện để người dân có thể kịp thời cung cấp tin báo, tố giác tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo