Hoài Nam

Công an xã, phường có quyền tạm giữ xe không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, lực lượng công an phường được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) trong phạm vi thuộc thẩm quyền của mình. Trên thực tế, một số trường hợp người điều khiển phương tiện không mang đầy đủ các giấy tờ cần thiết thì công an phường có quyền kiểm tra giấy tờ, tạm giữa phương tiện (xe) hay không? Qua bài viết dưới đây Luật Minh Gia tư vấn cụ thể như sau:

1. Giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông là gì?

- Giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông là các loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện cần phải có theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải mang theo các giấy tờ sau đây: (i) Giấy đăng ký xe (cà vẹt); (ii) Giấy phép lái xe (bằng lái); (iii) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (đối với xe ô tô) và (iv) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Bảo hiểm TNDS bắt buộc).

- Trường hợp người điều khiển phương tiện bị lực lượng chức năng kiểm tra hành chính mà thiếu một trong các giấy tờ trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy từng trường hợp mà có thể bị tạm giữ phương tiện.

2. Quy định về xử phạt và thẩm quyền tạm giữ xe

- Trên thực tế, có nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện không mang đầy đủ các giấy tờ cần thiết vì nhiều nguyên nhân như bị quên, bị mất hoặc là xe đi mượn… Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về các lỗi tương ứng theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Vậy công an phường được xử phạt những hành vi vi phạm nào? Trường hợp nào được tạm giữ phương tiện? Trình tự, thủ tục tạm giữ như thế nào?

3. Công an phường xử phạt và tạm giữ xe máy có đúng quy định?

Câu hỏi:

Em cần luật sư tư vấn giúp em về trường hợp này với ạ: Ngày 20/8/2021, bạn em có mượn xe của em để đi mua đồ ở tiệm tạp hoá gần nhà thì bị các anh công an phường yêu cầu dừng xe để kiểm tra, bạn em đã không xuất trình được các giấy tờ cần thiết. Bạn em có gọi cho em để cầm theo giấy tờ xe ra đến nơi thì các anh công an không làm việc, khống chế bạn em và đem xe của em về UBND phường.

Em đến UBND phường thì các anh cũng không làm việc với em, yêu cầu em ra về 3 ngày sau quay lại để nhận quyết định xử phạt. Bạn em thì cũng được cho về sau đó nhưng cũng không có biên bản hay quyết định xử phạt gì cả. Luật sư cho em hỏi trong trường hợp này thì em phải làm sao và tại sao em phải nhận quyết định xử phạt trong khi em không phải là người vi phạm? Công an phương làm như vậy có đúng theo các quy định của pháp luật hay không?

Trả lời câu hỏi tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của công an phường

Theo quy định pháp luật hiện hành, trong một số trường hợp cần thiết được nêu tại Điều 4 Nghị định 27/2010/NĐ-CP thì công an xã, phường có thể được huy động để phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ và xử lý các hành vi vi phạm. Việc huy động này phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 27/2010/NĐ-CP về trình tự, thủ tục huy động công an xã, phường phối hợp với CSGT tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, ATGT đường bộ như sau:

Điều 6. Trình tự, thủ tục huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Căn cứ các trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tại Điều 4 Nghị định này thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này quyết định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc huy động phải thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động, trong đó phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác và Công an xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông. Khi hết thời gian huy động ghi trong Quyết định hoặc Kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.”

Theo quy định trên, việc huy động công an xã, phường tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, ATGT đường bộ phải bằng Quyết định hoặc kế hoạch huy động do người có thẩm quyền ban hành. Khi hết thời gian huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng Công an xã, phường kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.

Căn cứ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 7 Thông tư 47/2011/TT-BCA về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của công an phường khi tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, ATGT đường bộ như sau:

“Điều 7. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã

… 3. Trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông đi cùng thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Lực lượng Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông sau: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Nghiêm cấm việc Công an xã dừng xe, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.”

Theo quy định trên, khi không có CSGT đi cùng thì công an phường thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ được kiểm tra giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông khi phát hiện họ vi phạm một số lỗi như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện… Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Từ những phân tích ở trên, công an phường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB khi được huy động tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, ATGT đường bộ theo kế hoạch hoặc quyết định huy động đã được cá nhân, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chỉ được xử phạt đối với một số hành vi nhất định. Trường hợp bạn cho người khác mượn xe để đi mua đồ và người đó không có các hành vi vi phạm thì công an phường không có thẩm quyền kiểm tra giấy tờ.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục tạm giữ phương tiện theo quy định pháp luật

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về các trường hợp được tạm giữ phương tiện như sau:

“Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính

1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;

b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.”

Theo quy định trên, công an phường chỉ được quyền tạm giữ xe máy của bạn nếu thuộc các trường hợp: (i) Để xác minh tình tiết mà không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; (ii) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính và (iii) Để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền và cá nhân, tổ chức không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến phương tiện. Về thủ tục, việc tạm giữ phương tiện phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm 01 bản.  (khoản 5 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012).

Trường hợp người bạn của bạn không có các giấy tờ cần thiết thì công an phường mới có căn cứ tạm giữ phương tiện, nếu sau đó bạn đã mang đầy đủ các giấy tờ cần thiết ra để xuất trình thì chỉ bị xử phạt về hành vi không mang theo các giấy tờ cần thiết. Trường hợp xử phạt tiền trên 250.000đ đối với cá nhân thì phải được lập thành biên bản. Về nguyên tắc, chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định nên nếu bạn không phải là người có hành vi vi phạm thì sẽ không bị xử phạt.

Như vậy, việc công an phường không lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, không lập biên bản tạm giữ phương tiện, tự ý đưa xe của bạn về UBND là trái với các quy định của pháp luật. Trường hợp này, bạn có quyền làm đơn khiếu nại lần đầu đến cơ quan có người có hành vi hành chính (khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại năm 2011) để giải quyết theo quy định pháp luật.

Trân Trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo