LS Thanh Hương

Con vay tiền bố mẹ có phải trả nợ không?

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp bố mẹ phải trả nợ thay cho con do con vay tiền từ đó bên cho vay dùng các hình thức đe dọa, uy hiếp. Vậy có phải trường hợp nào bố mẹ cũng phải trả nợ cho con hay không, pháp luật quy định cụ thể vấn đề này như thế nào? Dưới đây là nội dung liên quan đến hợp đồng vay tài sản và nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay, quý khách có thể tham khảo.

1. Hợp đồng vay tài sản là gì?

Hợp đồng vay tài sản là một trong những loại hợp đồng phổ biến nhất trên thực tế hiện nay, hợp đồng vay tài sản được quy định tại Mục 4 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể được quy định từ Điều 463 đến Điều 471.

Theo quy định của pháp luật dân sự, hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, có thể hiểu trong quan hệ vay tài sản một bên sẽ đưa tài sản thuộc sở hữu của mình cho người khác trong một khoảng thời hạn nhất định, hết thời hạn đó, bên nhận tài sản phải hoàn trả tài sản theo đúng số lượng, chất lượng các bên đã thỏa thuận.

Trong quan hệ vay tài sản, có thể phát sinh việc cho vay tài sản có tính lãi hoặc cho vay tài sản không tính lãi, trong trường hợp các bên cho nhau vay tài sản có tính lãi thì mức lãi suất được quy định cụ thể tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Như vậy, mặc dù quan hệ vay là quan hệ dân sự nhưng pháp luật cũng có quy định liên quan đến lãi suất, theo đó các bên cho vay phải tuân thủ mức lãi suất tối đa pháp luật cho phép, trường hợp cho vay với mức lãi suất cao thì phần lãi suất vượt quá không được pháp luật công nhận, trong nhiều trường hợp còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định.

Ngoài ra, trên thực tế có trường hợp phát sinh cho vay nợ có thời hạn cụ thể hoặc không có thời hạn trả nợ cụ thể, khi đó tùy vào từng trường hợp mà người cho vay và người đi vay sẽ có các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Cụ thể:

- Đối với hợp đồng cho vay có kỳ hạn:

+ Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

+ Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Đối với hợp đồng cho vay không kỳ hạn:

+ Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.

Như vậy, có thể thấy mặc dù quan hệ vay tài sản được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự nhưng các bên trong hợp đồng cũng phải có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật. Trong trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến hợp đồng vay có thể dẫn đến các trường hợp rủi ro cho các bên.

2. Con vay tiền bố mẹ có phải trả nợ thay không?

Theo quy định của pháp luật dân sự bên vay trong quan hệ vay tài sản có nghĩa vụ phải trả nợ khi đến hạn. Vậy trong trường hợp bên vay không trả được nợ thì người thân của họ có nghĩa vụ trả nợ thay hay không? Dưới đây là tình huống liên quan đến vấn đề này quý khách có thể tham khảo:

Câu hỏi: Xin chào anh chị. Gia đình tôi gồm, ông nội, mẹ, tôi, gia đình em trai (gồm bố mẹ và 1 con trai 4 tuổi) hiện sống chung trong một căn nhà. Căn nhà này đứng tên sở hữu của mẹ tôi. Hộ khẩu theo địa chỉ nhà chia làm 3, trong đó ông tôi có 1 sổ, tôi và mẹ chung 1 sổ, em trai tôi và con trai chung 1 sổ. Vợ em tôi vẫn để hộ khẩu tại nhà ngoại.

Thời gian qua, em trai tôi đi vay nợ quá các kênh cho vay nóng và cả ngân hàng, tới nay không có khả năng chi trả. Việc vay mượn này gia đình tôi và vợ em tôi hoàn toàn không biết. Ban đầu khoản tiền vay để đầu tư vào công việc riêng của em tôi, nhưng sau đó do không có khả năng trả nên tiếp tục vay thêm và đổ vào ghi số đề phòng gỡ gạc nhưng không thành. Gia đình tôi không muốn thay mặt em tôi trả nợ này mà muốn em tôi tự giải quyết. Tuy nhiên, gia đình tôi lo lắng về các vấn đề sau:

- Trường hợp các chủ nợ cho vay nóng đến nhà đòi tiền, gia đình có quyền từ chối chi trả hay không? Nếu chủ nợ đâm đơn kiện ra tòa, gia đình tôi có phải chịu trách nhiệm trả nợ thay hay không?

- Câu hỏi tương tự với trường hợp từ phía ngân hàng cho vay.

- Nếu nhà tôi chấp nhập trả nợ thay, đồng thời muốn làm biên bản miễn trừ mọi trách nhiệm liên quan tới nợ nần riêng của em trai tôi từ nay về sau, cũng như cắt toàn bộ mối quan hệ của em tôi với tài sản đứng tên mẹ tôi (là căn nhà hiện tại), liệu có mẫu văn bản nào không? Chúng tôi cần mời những ai để làm chứng cho biên bản này? Xin cám ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về nghĩa vụ trả nợ

Tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Căn cứ theo quy định nêu trên thì người vay tài sản có nghĩa vụ thanh toán khoản vay khi đến hạn theo thỏa thuận. Việc xác định ai là người có nghĩa vụ thanh toán khoản vay căn cứ theo hợp đồng vay tài sản mà các bên đã giao kết.

Do đó, với trường hợp của chị, em chị là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự do đó khi em chị vay tài sản phục vụ cho mục đích cá nhân thì em chị là người có nghĩa vụ trực tiếp thanh toán các khoản vay này.

Nếu không có thỏa thuận bảo lãnh thì gia đình bạn và số nợ này hoàn toàn không có ràng buộc gì về mặt pháp lý, và gia đình bạn có thể từ chối yêu cầu trả nợ từ phía chủ nợ đối với số tiền mà em trai bạn vay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu chủ nợ đâm đơn kiện ra tòa, gia đình bạn không có trách nhiệm phải trả nợ.

Tương tự như vậy, đối với phái ngân hàng, trừ trường hợp gia đình bạn tình nguyện trả nợ thay em trai hoặc có hợp đồng bảo lãnh sẽ trả nợ cho khoản vay đó đối với ngân hàng còn nếu không bạn và gia đình không có trách nhiệm phải trả số nợ này cho ngân hàng.

Thứ hai, về biên bản miễn trừ nợ nần

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về việc miễn trừ nợ nần như trường hợp chị đang đề cập, nếu gia đình bạn muốn làm biên bản miễn trừ mọi trách nhiệm liên quan tới nợ nần riêng của em trai bạn từ nay về sau thì không nhất thiết là phải lập thành văn bản, chỉ cần phía gia đình không thực hiện giao dịch bảo lãnh cho các khoản nợ của em trai bạn đồng thời cho em trai bạn thế chấp vay bằng tài sản của gia đình thì đương nhiên sẽ không phải chịu trách nhiệm gì từ phía khoản nợ của em trai bạn.

Tuy nhiên, nếu gia đình vẫn muốn có văn bản làm căn cứ cho vấn đề này, thì có thể lập văn bản thỏa thuận với em trai bạn hoặc phía chủ nợ để chặt chẽ hóa vấn đề trên. Nhưng bạn cần lưu ý, văn bản đó sẽ không còn giá trị nếu sau khi thỏa thuận mà gia đình bạn lại thực hiện bảo lãnh hoặc thế chấp bằng tài sản của mình để em trai bạn vay nợ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo