Hoài Nam

Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không?

Hiện nay, cách gọi “con riêng” vẫn đang được nhiều người sử dụng để chỉ những người con là con riêng của một bên vợ hoặc chồng với người khác. Vậy các vấn đề về “con riêng” được pháp luật quy định như thế nào? Pháp luật có sự phân biệt giữa “con riêng” và “con chung” không? Để giải đáp những thắc mắc trên, Công ty Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Con riêng của vợ, chồng dưới góc nhìn pháp luật về thừa kế như thế nào?

Con riêng của vợ, chồng, bao gồm cả con ngoài giá thú (con được sinh ra khi bố, mẹ không phải là vợ chồng theo quy định của pháp luật) đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp như những đứa trẻ bình thường khác. Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào định nghĩa hoặc quy định cụ thể các vấn đề về con riêng, con ngoài giá thú. Tuy nhiên, căn cứ theo nguyên tắc huyết thống giữa cha mẹ và con, con riêng, con ngoài giá thú trong các quan hệ pháp luật dân sự được xem như là con đẻ và có các quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ.

Đối với pháp luật dân sự về thừa kế nói riêng, con riêng của vợ, chồng, con ngoài giá thú được xem là con đẻ mà không có bất kỳ sự phân biệt nào khác. Do đó, con riêng của vợ, chồng, con ngoài giá thú cũng có quyền được hưởng thừa kế di sản của cha, mẹ mình như những đồng thừa kế khác theo hàng thừa kế thứ nhất.

2. Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không?

Nội dung đề nghị tư vấn: Ba tôi có hai vợ, người vợ đầu có hai người con gái, bà qua đời. Ba tôi kết hôn với mẹ tôi và sinh được 4 người con. Vào khoảng những năm 70-80 ba tôi đi làm ăn xa không có hộ khẩu tại quê nhà, mẹ tôi ở nhà nuôi con và 2 chị đời trước. Mẹ tôi có xin đất ở và làm nhà, toàn bộ giấy tờ đất đai mẹ tôi đứng tên. Sau đó năm 2007 ba tôi mất, đến giờ các anh chị em đã có gia đình, anh trai tôi có vợ và mẹ tôi đang sống với anh trai tôi. Hiện tại phần đất đó đã cho tôi gần 100m2 làm nhà, còn lại mẹ tôi vẫn đứng tên. Các chị con của mẹ trước có ý định chia phần đất mà mẹ tôi đứng tên. Vậy xin luật sư tư vấn giúp về phần đất đai trên. Tôi xin cảm ơn nhiều!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, phần đất mà các người chị là con của vợ trước của ba bạn yêu cầu chia là phần đất mà mẹ bạn xin được sau khi ba bạn đi làm ăn xa. Như vậy, các người chị này chỉ có quyền yêu cầu chia phần đất trên nếu phần đất đó được xác định là tài sản chung của ba và mẹ bạn. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung và riêng của vợ chồng như sau:

“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

…”

“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

…”

Như vậy, phần đất đó được coi là tài sản riêng của mẹ bạn chỉ khi mẹ bạn nhận được phần đất này thông qua các giao dịch thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc thông qua giao dịch bằng tài sản riêng của mẹ bạn. Nếu mẹ bạn chứng minh được phần đất này là tài sản riêng của mẹ bạn thì các người chị của mẹ trước không có quyền yêu cầu phân chia. Ngược lại, nếu phần đất này được xác định là tài sản chung của ba và mẹ bạn, thì những người chị trên được quyền hưởng di sản mà ba bạn để lại khi mất và có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế của ba bạn. Vì ba bạn mất không để lại di chúc nên phần di sản của ba bạn sẽ được chia theo pháp luật. 

“Điều 612. Di sản

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Theo đó, phần di sản của ba bạn để lại (là phần tài sản riêng và một nửa phần tài sản trong tài sản chung với mẹ bạn) sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm cả các người con riêng của người vợ trước. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn