Con nuôi không có giấy tờ có được thừa kế không?
1. Khái niệm con nuôi, cha mẹ nuôi và nuôi con nuôi
Theo khoản 1, 2, 3 Điều 3 Luật nuôi con nuôi, nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.
Như vậy, việc nuôi con nuôi chỉ được nhà nước công nhận là nuôi con nuôi hợp pháp khi đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Quyền thừa kế của con nuôi
Về việc con nuôi có được hưởng thừa kế hay không, Điều 653 BLDS 2015 có quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ như sau:
“Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Căn cứ theo hai quy định nêu trên, con nuôi cũng là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất và có quyền được hưởng di sản ngang bằng với những người khác cùng hàng thừa kế. Tuy nhiên quan hệ nuôi con nuôi này phải hợp pháp - được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi thì sẽ có quyền được hưởng di sản thừa kế. Trường hợp quan hệ nuôi con nuôi không hợp pháp thì sẽ không được hưởng di sản thừa kế nếu chia thừa kế theo pháp luật.
3. Nuôi con nuôi hợp pháp theo quy định của luật nuôi con nuôi? con nuôi không có giấy tờ có được thừa kế không?
Theo quy định của Luật nuôi con nuôi, để việc nuôi con nuôi hợp pháp thì các bên cần thỏa mãn đủ điều kiện nuôi con nuôi và phải thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi.
Điều kiện nuôi con nuôi được quy định tại Điều 8, Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010. Khi đủ điều kiện thì phải thực hiện thủ tục nhận con nuôi. Theo Điều 19 Luật nuôi con nuôi, người nhận nuôi con nuôi nộp 1 bộ hồ sơ đến UBND cấp xã nơi người đó thường trú hoặc nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú, hồ sơ giấy tờ cần chuẩn bị quy định tại Điều 17, 18 Luật nuôi con nuôi.
Đối với trường hợp nhận nuôi con nuôi trên thực tế từ lâu mà chưa đăng ký, theo Điều 50 Luật nuôi con nuôi và Điều 23 Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi phát sinh trên thực tế trước ngày 01/01/2011, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi thì phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 01/01/2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015. Nếu trong khoảng thời gian 05 năm kể từ 01/01/2011 công dân không đi đăng ký thì người con nuôi không được pháp luật công nhận là con nuôi do đó không thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên không có quyền thừa kế.
Đối với trường hợp đã đăng ký việc nuôi con nuôi nhưng do đã quá lâu nên khi quay lại UBND xã thì không còn các giấy tờ liên quan (sổ hộ tịch, giấy tờ đăng ký nuôi con nuôi), đây là trường hợp các giấy tờ liên quan đến việc nuôi con nuôi đã bị mất. Theo Điều 29 Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật nuôi con nuôi, trường hợp này có thể đăng ký lại nếu cả cha, mẹ nuôi và con nuôi đều còn sống vào thời điểm yêu cầu đăng ký lại tại UBND xã nơi đã đăng ký trước đây.
Như vậy, con nuôi không đăng ký thì không được hưởng thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, con nuôi không có giấy tờ vẫn được hưởng thừa kế theo di chúc bình thường, trường hợp nào không có di chúc thì mới chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, mặc dù việc nuôi con nuôi không hợp pháp nhưng nếu bố mẹ nuôi lập di chúc để lại di sản thừa kế cho người con nuôi thì người con nuôi vẫn được hưởng di sản thừa kế. Bởi lẽ pháp luật quy định người để lại di sản có thể lập di chúc để lại tài sản cho bất kỳ ai, không bắt buộc họ phải là người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật (Điều 609 BLDS).
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất