Có thể từ chối nhận di sản trong cùng hàng thừa kế không?
Xin chào luật sư,Trước đây khi chia đất của ông bà thì giấy tờ chỉ để tên bố tôi. Bây giờ bố mới qua đời, theo luật thừa kế thì nó là thuộc về mẹ và ba người con. Nhưng cả ba chị em đều lập gia đình hoặc làm ăn xa mà gia đình có nhu cầu làm giấy tờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cả ba chị em không có điều kiện về để ký giấy tờ. Theo tư vấn của cán bộ địa phương thì có thể đến phòng công chứng làm văn bản từ bỏ quyền thừa kế thì phần tài sản hoàn toàn thuộc về mẹ để thuận tiện cho việc làm giấy tờ. Tôi muốn hỏi là điều này có khả thi không?nếu có thể thì văn bản này có thể làm ở văn phòng công chứng tư nhân không và cần những điều kiện gì? Còn nếu không thể làm theo phương án này thì có thể làm theo phương án nào để các con không cần về nhà mà vẫn có thể làm giấy tờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất? Xin cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, quyền từ chối hưởng di sản thừa kế
Căn cứ theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015: “ 1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.
Mọi hành động lấy việc từ chối nhận di sản để trốn nghĩa vụ tài sản của người chết để lại (vì hiểu lầm) hay nghĩa vụ tài sản của mình đều bị pháp luật nghiêm cấm. Nếu người thừa kế này đã từ bỏ quyền thừa kế của mình hợp pháp theo quy định của pháp luật, thì phần tài sản bị từ chối đó sẽ được đem chia theo pháp luật cho những đồng thừa kế còn lại. Cần lưu ý rằng, nếu đã từ chối nhận di sản thì đồng nghĩa với việc người từ chối sẽ không còn được hưởng di sản trong cả 2 hình thức thừa kế là theo di chúc và theo pháp luật (lưu ý rằng người từ chối nhận di sản có quyền từ chối toàn bộ hay một phần tài sản mà mình đáng lẽ được hưởng). Cuối cùng, người từ chối nhận di sản cần phải thực hiện các bước thủ tục theo luật định tại khoản 2, 3 điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể là: việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản gửi cho người cùng thừa kế, người tiến hành chia di sản và công chứng tại cơ quan có thẩm quyền, kể từ ngày mở thừa kế.
Ba chị em bạn có thể đến phòng công chứng làm thủ tục từ chối nhận di sản để khối di sản đó thuộc về mẹ bạn và mẹ bạn sẽ đi làm giấy tờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho thuận tiện hơn.
Thứ hai, thủ tục từ chối nhận di sản
Căn cứ theo quy định pháp luật tại Điều 59 Luật công chứng 2014 về Công chứng văn bản từ chối nhận di sản: “Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết”.
Theo quy định pháp luật trên, ba chị em bạn có thể làm văn bản từ chối nhận di sản ở tổ chức hành nghề công chứng. Mà tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Luật công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Nghĩa là bạn có thể thực hiện ở Văn phòng công chứng nhà nước hoặc Phòng công chứng tư nhân đều được.
Khi thực hiện thủ tục công chứng, bạn và chị của bạn phải trực tiếp đến và nộp các giấy tờ cần thiết có trong hồ sơ mà tổ chức hành nghề công chứng yêu cầu như: Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu); Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh, Hộ chiếu (nếu là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài) hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của người từ chối nhận di sản (bản chính và bản sao); Giấy tờ chứng minh người từ chối nhận di sản là người được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật (bản chính và bản sao); Văn bản từ chối nhận di sản (theo mẫu) (Điều 63 Luật công chứng 2014).
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Lưu Khánh Linh- Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất