Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Có thể tách khẩu khi không được sự đồng ý của chủ hộ hay không?

Luật sư tư vấn về vấn đề tách khẩu khi không có sự đồng ý của chủ hộ, vấn đề thừa kế của con đẻ và con riêng. Cụ thể như sau:

 

Xin Chào Cho em xin hỏi một vấn đề về việc thừa kế tài sản , Nhà em có vấn đề như sau : Cha mẹ em đã kết hôn được gần 30 năm , cha em từng kết hôn và có con riêng là người con trai , sau khi vợ trước và cha em ly hôn cha em đã để lại hết tài sản cũng như quyền nuôi con cho người vợ trước, và kết hôn với mẹ em khi không có tài sản riêng , cùng nhau gầy dựng cho đến hôm nay nhưng thời gian trước vợ trước của cha me tái hôn và để lại con trai cho bên bà ngoại nuôi , cha em đã không có sự đồng ý của mẹ em mà cho người con riêng đó vào hộ khẩu nhà em ( hộ khẩu cha em là chủ hộ ) cho đến thời điểm bây giờ nhưng chưa bao giờ ở nhà em một ngày nào , giờ người con trai đã có gia đình riêng nhưng vẫn không tách ra khỏi hộ khẩu của nhà em vì lý do cha em không chịu cắt ra . hiện tại đất gia đình em đang sinh sống là do bà ngoại của em đã để lại cho mẹ em trên giấy tờ nhà đất mẹ em đứng tên và người thừa kế là cha em , em muốn hỏi .. - Nếu chủ hộ không chịu đi cắt người con riêng đó ra khỏi hộ khẩu thì thành viên trong hộ khẩu có thể đơn phương đi cắt không ? Làm thể nào để cắt thành viên trong hộ khẩu mà không cần sự can thiệp của chủ hộ được không ? - Việc có tên trong hộ khẩu có ảnh hưởng gì về việc hưởng tài sản hiện có của gia đình không, có phải bắt buộc chia tài sản cho người con riêng đó không ? ( nếu người con đó nhất quyết muốn chia vì có tên trong hộ khẩu ) - Nếu người chủ trên giấy tờ đất ( là mẹ em ) muốn đơn phương làm di chúc để lại toàn bộ tài sản cho em mà không cần sự can thiệp của người thừa kế ( là cha em ) trên giấy tờ đất đó thì có được không ? Em rất cám ơn và chờ phản hồi –

 

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 27, Luật Cư trú 2013 thì: “1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

 

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

 

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản

 

 2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.”.

 

Như vậy, theo quy định trên bạn và mẹ bạn không có quyền tách khẩu của người con riêng đó bởi vì khi tách khẩu phải có sự đồng ý của chủ hộ (là bố bạn) và phải theo ý chí của người tách khẩu (con riêng của bố bạn). Nếu bạn và mẹ bạn tự ý tách khẩu của người con riêng đó thì  theo quy định tại khoản 1, điều 8, Nghị định 167/2013/NĐ-CP bạn có thể bị xử phạt như sau:

 

"1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;”

 

Về vấn đề bố bạn không đồng ý tách khẩu thì nếu người con riêng đó muốn tách khẩu thì vẫn có thể tách hộ khẩu. Tuy nhiên, để thực hiện thủ tục này, người con riêng phải có nơi cư trú hợp pháp nghĩa là bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú theo thủ tục quy định tại điều 21 Luật Cư trú:

 

“Thủ tục đăng ký thường trú:

 

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

 

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

 

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

 

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

 

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

 

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

 

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

 

Sau khi thực hiện xong thủ tục này, con riêng của bố bạn có thể tiến hành xóa đăng ký thường trú tại nơi ở cũ theo quy định tại điểm đ khoản 1 điều 22:

 

“Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:

 

đ: Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ”

 

Thủ tục xóa hộ khẩu thường trú  mời bạn tham khảo tại thông tư số 35/2014/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 quy định chi tiết một số đều và biện pháp thi hành luật cư trú.

 

Đối với vấn đề có tên trong hộ khẩu có ảnh hưởng gì đến việc thừa kế tài sản không thì chúng tôi khẳng định với bạn là không vì việc được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào mối quan hệ quản lí hành chính mà dựa vào huyết thống, nuôi dưỡng. Việc thừa kế tài sản sẽ dựa theo di chúc và theo pháp luật. Nếu bố mẹ bạn để lại di chúc thì sẽ chia theo di chúc còn nếu bố mẹ bạn không để lại di chúc thì sẽ chia theo quy định tại Điều 676 , Bộ luật dân sự 2015:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Vấn đề cuối cùng bạn hỏi là mẹ bạn có thể tự ý để lại di chúc quyền sử dụng đất đấy cho bạn mà không cần sự đồng ý của bố bạn hay không thì theo quy định tại Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”. Sau khi bố mẹ bạn kết hôn bà ngoại bạn mới để mảnh đất đó cho bố mẹ bạn, do đó, có thể xác định đây là tài sản chung của bố mẹ bạn, vì vậy, mẹ bạn không thể tự ý để lại mảnh đất đó cho bạn mà không có ý kiến của bố bạn được.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Thị Linh- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo