Luật sư Vũ Đức Thịnh

Có quyền định đoạt di sản thừa kế của chồng?

Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư cho tôi hỏi trường hợp vợ có quyền định đoạt di sản thừa kế khi vẫn còn các hàng thừa kế khác hay không, cụ thể như sau: Tôi và chồng tôi cùng đứng tên sử dụng đất nhà ở. Chồng tôi đã mất do tai nạn giao thông, tôi có một con nhỏ 6 tuổi hiện đang ở với tôi, và đất nhà ở trước đây do hai vợ chồng tôi mua, nay tôi muốn bán nền đất đó.

 

Tôi hỏi ý kiến gia đình bên nội và ngoại đều đồng ý cho tôi bán nền đất đó để về mua lại nền đất gần nơi tôi đang công tác. Nay xin tổng đài tư vấn giúp tôi cần phải làm thủ tục gì để bán được nền đất đó, quy định thế nào? Xin chân thành cám ơn !

 

=> Giải đáp thắc mắc về định đoạt tài sản thừa kế, gọi 19006169 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Thứ nhất, về quyền hưởng di sản thừa kế

 

Thông tin chị cung cấp chưa rõ ràng về việc chồng chị mất có để lại di chúc hay không. Trường hợp không có di chúc thì phần di sản của chồng chị sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Trước tiên, cần phải phân chia tài sản chung của vợ chồng (theo nguyên tắc sẽ được chia đôi). Một nửa tài sản chung đó sẽ được coi là di sản thừa kế và được chia theo pháp luật. Cụ thể, tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

 

Theo quy định trên, phần si sản thừa kế sẽ được chia đều cho chị, bố mẹ chồng chị (nếu có), con chung, con nuôi của chồng chị (nếu có). Do đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều có quyền hưởng di sản ngang nhau. Vì vậy, chị muốn một mình định đoạt phần di sản đó thì những người thừa kế còn lại cần có văn bản từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

 

Điều 620. Từ chối nhận di sản

 

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

 

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

 

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

 

Như vậy, sau khi có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của các đồng thừa kế còn lại trong hàng thừa kế thứ nhất của chồng chị, đồng thời văn bản này phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì lúc này chỉ còn mình chị là người thừa hưởng di sản và có chuyển nhượng phần đất thuộc di sản người chồng để lại.

 

- Thứ hai, về điều kiện, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng dất

 

Tại Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định về Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:

 

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

 

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

 

b) Đất không có tranh chấp;

 

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

 

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

 

Tuy nhiên, Điều 168 – Luật Đất đai 2013 có quy định về thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất như sau:

 

Điều 168. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất

 

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 

Khi đó, tuy chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với toàn bộ mảnh đất được thừa kế, nhưng chị đã làm xong thủ tục phân chia di sản và xác định quyền của mình với mảnh đất này thì vẫn có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

 

Về thủ tục, hồ sơ, giấy tờ để chuyển nhượng, Chị cần có các giấy tờ sau:

 

+ Giấy chứng nhận QSD đất;

 

+ Văn bản phân chia di sản thừa kế có thể hiện mình chị là người thừa hưởng di sản;

 

+ Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu của chị.

 

Để giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hai bên đến văn phòng công chứng để lập hợp đồng, sau đó, các bên hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau đó liên hệ với cơ quan đăng ký đất đai để làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Có quyền định đoạt di sản thừa kế của chồng?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại 19006169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Luật gia: Vũ Đức Thịnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn