Có được lấy giấy tờ xe khi mua ô tô bằng giấy tờ giả?
Nội dung tư vấn: Lời đầu tiên xin cảm ơn luật Minh Gia đã đọc thư, và rất mong được luật sư giải đáp! Tôi xin hỏi vấn đề sau: Tôi có mua một chiếc xe của anh B với giá tiền là 520,000,000 đ, sau khi mua xe tôi phát hiện giấy tờ chiếc xe trên là giấy tờ giả, giấy tờ thật đang được thế chấp tại ngân hàng với số tiền gần 400tr, tôi đã đến làm việc với a B thì a B nói xe mua lại của anh A, thời điểm mua vợ chồng anh A có ra phòng công chứng làm thủ tục mua bán đầy đủ và không chịu trách nhiệm, tôi đã đưa đơn ra cơ quan công an, và chủ xe A bị xử lý tội làm giả con dấu của cơ quan tổ chức nhà nước, và bị phạt 12 tháng tù giam, hiện tại anh A đã ra tù, chiếc xe trên tôi vẫn quản lý, giấy tờ xe bên ngân hàng vẫn giữ, tôi đã rất nhiều lần nhờ cơ quan công an giải quyết để lấy giấy tờ xe nhưng ko được chấp nhận. Xin hỏi luật sư tư vấn trường hợp trên ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Bạn mua xe của anh B, đã giao đủ số tiền 520 triệu đồng thanh toán tiền xe nhưng giấy tờ xe anh B giữ là giấy tờ giả. Giấy tờ thật của xe đang được anh A thế chấp tại ngân hàng. Điều 320 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ của bên thế chấp như sau:
“Điều 320. Nghĩa vụ của bên thế chấp
…
8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.”
Khoản 4, 5 Điều 321 BLDS 2015 quy định như sau:
“Điều 321. Quyền của bên thế chấp
…
4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
…”
Vì chiếc xe không phải là hàng hóa luân chuyển trong sản xuất, kinh doanh nên để bán chiếc xe này cho anh B thì anh A phải có sự đồng ý của ngân hàng, nếu không có sự đồng ý của ngân hàng thì hợp đồng mua bán xe của anh A với anh B là hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn là người mua lại chiếc xe từ anh B, anh A là người làm giấy tờ giả để thực hiện giao dịch mua bán với anh B nên trên cả giấy tờ xe và giấy tờ xe giả vẫn đang mang tên anh A, anh B vẫn chưa thực hiện việc sang tên tại cơ quan có thẩm quyền nên căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS 2015:
“Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
…
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
…”
Chiếc xe ô tô là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan có thẩm quyền nhưng anh B lại bán cho bạn mà chưa thực hiện việc đăng ký nên giao dịch mua bán xe giữa bạn với anh B bị vô hiệu, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh B cư trú để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự giữa bạn và anh B là vô hiệu. Hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 BLDS 2015:
“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Như vậy, vì giao dịch dân sự giữa bạn với anh B là vô hiệu nên bạn không thể lấy lại được giấy tờ xe mà chỉ có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự là vô hiệu và buộc anh B phải hoàn trả lại số tiền mua xe.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất