Lò Thị Loan

Có đòi lại được đất đang được người khác sử dụng không?

Luật sư tư vấn về việc đòi đất đang được người khác sử dụng. Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi: Vào trước năm 1990 nhà nước thực hiện chính sách thu hồi ruộng đất và cấp lại cho chủ mới. Cha tôi gọi tắt là ông A đã được nhà nước cấp đất và tiến hành đi kê khai đăng ký Quyền Sữ Dụng Đất hợp pháp. Được thể hiện rõ tên trong giấy chứng nhận QSDĐ. Canh tác được khoảng 2năm thi cha tôi( ông A) đưa đất cho người em ruột canh tác cũng vài năm. Nhưng sao đó người em của A đem Đất đi cầm cố va thời gian sau nay cho thuê đến nay. Nay người em của A kiện Vợ và các con của A ra tòa.  Nói phần đất này là do Cha của ông A và người em tạo ra. Lúc đầu cha cho người em và người em nhờ A đứng tên quyền sữ dụng đất.( Vấn đề này không có giấy tờ chứng minh.) nay cha của A mất 2009 và A cũng mất năm 2012. Cha của A trước lúc mất không để lại thừa kế và cũng không nhắc đến đất này là của ông. Vì ngay ban đầu người đi kê khai đăng ký là A được nhà nước cấp. Có nộp thuế nông nghiệp. Xin hỏi luật sư Vợ và con của A có đòi lại đất mà người em của A đang sữ dụng không.  Xin cám ơn luật sư ! 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì trường hợp này hiện đang xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa vợ con của A và người em của A. Do thông tin bạn cấp không cụ thể nên chúng tôi chia trường hợp giải quyết như sau: 

 

Trường hợp thứ nhất, nguồn gốc mảnh đất này là của ông A và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông A là hợp pháp. Thì vợ và con của ông A có quyền đòi lại mảnh đất đó vì các lý do sau: 

 

Ông A là hiện là người đứng tên hợp pháp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có thực hiện đăng ký kê khai và nộp thuế đất nông nghiệp đầy đủ. Do đó, ông A được xác định là chủ sở hữu của mảnh đất nên khi ông A mất mảnh đất được xác định là di sản thừa kế của ông A. Những người thừa kế theo pháp luật của ông A còn sống tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông A chết) sẽ được hưởng phần di sản thừa kế của ông A. 

 

Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

…”

Theo quy định trên những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất là vợ và con của ông A sẽ được hưởng phần di sản là mảnh đất mà ông A để lại. Cha của ông A đã mất trước ông A từ năm 2009 (ông A mất năm 2012) nên sẽ không phát sinh quan hệ thừa kế giữa hai người này nữa, do đó người em ruột của ông A cũng không thể căn cứ vào việc này để đòi quyền hưởng di sản thừa kế.

 

Thứ hai, về việc người em ruột của A nói rằng mảnh đất này là do người em và cha của ông A tạo ra, cha của ông A đã cho người em nhưng người em này lại nhờ A đứng tên hộ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vấn đề này lại không có giấy tờ chứng minh, không hề có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cha của ông A và người em, nên không thể xác thực tính chính xác của thông tin này. Nên người em của ông A không thể dựa trên thông tin này để xác lập lại quyền sở hữu đối với mảnh đất mà ông A đang đứng tên được. 

 

Trường hợp thứ hai, nguồn gốc mảnh đất là của cha ông A và hiện ông A đang được nhờ đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do người em của ông A không có giấy tờ chứng minh được việc cha của ông A đã cho người em này nên mảnh đất trong trường hợp này được xác định là di sản do cha của ông A để lại. Tương tự với trường hợp thứ nhất, cha của A mất không có di chúc nên phần di sản được chia thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế của cha ông A còn sống tại thời điểm cha ông A chết là những người được hưởng di sản thừa kế, bao gồm: người em và ông A (ông A chết sau người cha của mình). 

 

Mặt khác, sau khi ông A mất thì vợ và con của ông A được hưởng thừa kế phần di sản mà ông A để lại, nên vợ và con của ông A vẫn có 1 phần diện tích tương đương với phần thừa kế mà ông A được hưởng trong khối di sản mà bố ông A để lại, do đó thì trường hợp này, vợ và con của ông A cũng có quyền đòi lại 1 phần mảnh đất. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.


CV tư vấn: Nguyễn Thị Phương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo