Nguyễn Thị Lan Anh

Có cần nộp thuế với các hàng hóa là quà tặng mang từ nước ngoài về không?

Vấn đề nộp thuế đặc biệt là thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng hàng hóa với hàng tặng biếu được rất nhiều người nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam quan tâm. Nếu bạn đang thắc mắc về vấn đề nghĩa vụ của mình khi rơi vào trường hợp này hãy liên hệ với chúng tôi để được giải quyết nhanh nhất.

Hiện nay, sự phát triển của hoạt động vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam đã đặt ra các quy định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho  các cá nhân và tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ được quy định pháp luật đặc biệt là về khoản chi phí khi tiến hành gửi hàng biếu tặng hoặc hành lý gửi kèm khi nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam. Vậy những chi phí này được quy định cụ thể như thế nào? Để hiểu rõ hơn những quy định này và giải quyết trường hợp của mình, bạn hãy liên hệ với những luật sư, luật gia dày dặn kinh nghiệm của công ty Luật Minh Gia chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn. Bạn có thể lựa chọn tư vấn bằng lời nói như tư vấn trực tiếp tại văn phòng công ty hoặc qua số điện thoại 1900.6169 để được giải đáp một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, nếu việc tư vấn trực tuyến chưa làm bạn hài lòng, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức về quy định pháp luật và cách giải quyết trong trường hợp gửi hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam.

Nội dung tư vấn: Em chào luật sư! Em là du học sinh từ Nhật về Việt Nam, khi về em có mua nhiều sản phẩm để giành tặng cho bạn bè và người thân nhưng giá trị từng món không quá 1.000.000đ vậy thì em có bị đánh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng không ạ? Nếu có đánh thuế thì mức và hạn mức phí đóng là bao nhiêu? Du học sinh trở về thăm gia đình thì quy định về hàng hoá mang về tặng là tổng cộng được bao nhiêu giá trị trên tổng hàng hoá mang về ạ? Được phép mang về tối đa mấy lần trên một năm ạ? Hàng hoá đa phần là thuốc, mỹ phẩm, kẹo, bánh, giầy, dép, đồ gia dụng (hàng mới và hàng đã qua sử dụng). Em rất mong văn phòng giúp đỡ em với ạ. Trân trọng!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Để giải quyết vấn đề thắc mắc và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bạn thì cần xác định các quy định pháp luật về hành lý, quà tặng từ nước ngoài và các loại thuế, phí liên quan. 

Hành lý là những vật dụng, hàng hóa được hành khách mang theo trong cùng chuyến đi hoặc gửi theo chuyến đi khác và phải chi trả số tiền cho số lượng hành lý đó.

Còn quà biếu, quà tặng được miễn thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là những mặt hàng không thuộc Danh mục mặt hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, không thuộc danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ trường hợp quà biếu, quà tặng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng) theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thứ nhất, hàng hóa là quà biếu, quà tặng được xác định định mức miễn nộp thuế như sau:

Căn cứ vào Điều 8 Nghị định 134/2016/NĐ-CP  hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định về định mức miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng:

 “a) Quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam; quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có trị giá hải quan không vượt quá 2.000.000 đồng hoặc có trị giá hải quan trên 2.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 200.000 đồng được miễn thuế không quá 04 lần/năm.

b) Quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động theo pháp luật về ngân sách; quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện có trị giá hải quan không vượt quá 30.000.000 đồng được miễn thuế không quá 04 lần/năm.

Trường hợp vượt định mức miễn thuế của cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, Bộ Tài chính quyết định miễn thuế đối với từng trường hợp.

c) Quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cá nhân Việt Nam là thuốc, thiết bị y tế cho người bị bệnh thuộc Danh mục bệnh hiểm nghèo quy định tại Phụ lục IV Nghị định này có trị giá hải quan không vượt quá 10.000.000 đồng được miễn thuế không quá 4 lần/năm”.

Theo quy định này, quà tặng có giá trị hải quan (giá trị hàng hóa) không vượt quá hai triệu đồng hoặc vượt quá hai triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới hai trăm nghìn đồng sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Và tổng số lần được miễn thuế quà biếu, quà tặng sẽ không quá 4 lần/năm. Mức thuế cụ thể sẽ phụ thuộc vào mặt hàng (xác định theo mã HS 08 số) cũng như quốc gia/vùng lãnh thổ xuất khẩu để xác định thuế suất thuế nhập khẩu. 

Ngoài ra, mức thuế giá trị gia tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng mặt hàng nhập khẩu, các hàng hóa thông thường có thuế giá trị gia tăng là 10%. Trường hợp nếu còn vướng mắc cần hỗ trợ ngay hãy liên hệ Hotline: 1900.6169 hoặc đến trực tiếp Văn phòng Luật Minh Gia để được luật sư của chúng tôi hỗ trợ.

Trường hợp thứ hai, hàng hóa là hành lý được xác định định mức hành lý được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của người nhập cảnh như sau:

“1. Rượu, đồ uống có cồn

a) Rượu từ 22 độ trở lên: 1,5 lít;

b) Rượu dưới 22 độ: 2,0 lít;

c) Đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít

Đối với rượu, nếu người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can (sau đây viết tắt là chai) có dung tích lớn hơn dung tích quy định tại các Điểm a, b, c Khoản này nhưng dung tích vượt không quá 01 (một) lít thì được miễn thuế cả chai, nếu dung tích vượt quá 01 (một) lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

2. Thuốc lá

a) Thuốc lá điếu: 200 điếu;

b) Xì gà: 100 điếu;

c) Thuốc lá sợi: 500 gam

Đối với thuốc lá điếu, xì gà, người nhập cảnh chỉ được mang theo đúng định mức miễn thuế; nếu mang vượt định mức miễn thuế thì phần vượt phải được tạm gửi tại kho của Hải quan cửa khẩu và nhận lại trong thời hạn quy định tại Khoản 5 Điều 58 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

3. Định mức quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi.

4. Đồ dùng cá nhân: số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi.

5. Các vật phẩm khác ngoài danh mục hàng hóa quy định tại các Khoản 1, 2, và 4 Điều này (không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện): Tổng trị giá không quá 10.000.000 (mười triệu) đồng Việt Nam.

6. Khách nhập cảnh thường xuyên theo quy định tại Khoản 5 Điều 58 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan không được hưởng định mức hành lý miễn thuế quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này cho từng lần nhập cảnh mà cứ 90 ngày được hưởng định mức hành lý miễn thuế 01 (một) lần.”

Như vậy, tùy vào hành lý mang theo mà định mức sẽ khác nhau, tổng giá trị không quá mười triệu đồng và sẽ được miễn thuế 1 lần/ 90 ngày. Hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế không là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Đối với hành lý mang về theo điểm a.2.2 Khoản 5 Điều 103 Thông tư 38/2015/TT-BTC sẽ xử lý nếu vượt quá tiêu chuẩn hành lý của người xuất nhập cảnh như sau:

“Trường hợp hàng hoá nhập khẩu vượt tiêu chuẩn được miễn thuế thì phần vượt định mức phải nộp thuế nhập khẩu. Nếu tổng số tiền thuế phải nộp đối với phần vượt dưới 100.000 đồng thì được miễn thuế đối với cả phần vượt. Người nhập cảnh được chọn vật phẩm để nộp thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm…”

Căn cứ vào các quy định nêu trên và thông tin bạn đã cung cấp, chúng tôi xác định trường hợp bạn cần tư vấn là hành lý mang theo nhập cảnh. Do đó, bạn có thể dựa trên các quy định tại trường hợp thứ hai để giải quyết thắc mắc của mình khi mang quà tặng là hành lý từ nước ngoài vào Việt Nam.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo